Những đợt thay đổi thời tiết dữ dội đã bủa vây Trung Quốc từ tháng 4, làm hư hại cơ sở hạ tầng và phá hoại mùa màng.
Giá lương thực ở châu Á có thể tăng cao hơn nữa do hệ quả từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trên biển Đen - theo giới phân tích.
Trong thỏa thuận trên, châu Á nhập khẩu 46% lô hàng ngũ cốc và thực phẩm khác trong khi Tây Âu và châu Phi lần lượt chiếm 40% và 12%. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 7,7 triệu tấn (tương đương gần 1/4 tổng số).
Ông Pavlo Martyshev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và sử dụng đất tại Trường Kinh tế Kiev (Ukraine), nói với kênh Al Jazeera: "Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc sẽ tác động đến an ninh lương thực ở châu Á do giá ngũ cốc và hạt có dầu cũng như dầu thực vật tăng cao".
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác lớn nhất thế giới. Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc hàng chục triệu tấn ngũ cốc của Ukraine rút khỏi thị trường sẽ gây thiếu hụt trên toàn thế giới.
Dù vậy, các nhà phân tích khác cho rằng tác động này sẽ được giảm bớt do lượng nhập khẩu từ Ukraine giảm và nguồn cung từ các quốc gia khác đang tăng lên.
Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng lo ngại những đợt nắng nóng liên tiếp ở nhiều nơi đang đe dọa khả năng cung cấp thực phẩm từ môi trường tự nhiên cho con người.
Đơn cử, miền Nam châu Âu chuẩn bị đón đợt nắng nóng tiếp theo vào tuần sau, với nhiệt độ lên tới 48 độ C. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định tháng 7 này có thể sẽ là tháng nóng nhất của thế giới trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm qua.
Ông John Marsham, giáo sư khoa học khí quyển tại Trường ĐH Leeds (Anh), cảnh báo: "Ngày càng có nhiều nguy cơ mất mùa quy mô lớn đồng loạt ở nhiều nơi trên thế giới, khiến nguồn cung và giá cả lương thực bị ảnh hưởng mạnh".