Bên cạnh đó, trường hợp các nhà máy điện của EVN hoặc các nhà máy điện Phú Mỹ sử dụng LNG bổ sung, số khác dùng khí nội địa cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh trên thị trường, bởi giá LNG quá cao sẽ không thể vận hành trong thị trường điện.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, xác định đến năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%.
Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong giai đoạn căng thẳng hệ thống điện vừa qua, trường hợp các nhà máy nhiệt điện khí chạy dầu diesel (DO) bổ sung thêm nguồn cung khí nội địa sẽ có giá thành nhiên liệu (xấp xỉ 23 USD/mmbtu) cho phát điện, cao gần gấp đôi so với sử dụng khí LNG theo giá thị trường thế giới (11-13 USD/mmbtu).
Từ góc độ của PVN, tập đoàn này lại cho rằng việc đưa LNG vào bổ sung cho nguồn khí nội địa góp phần làm giảm đáng kể giá thành phát điện của các nhà máy điện tua bin khí so với chạy thay thế bằng dầu DO, FO, chưa xét tới khía cạnh môi trường, tỷ lệ chuyển hóa năng lượng từ dầu thấp hơn và chi phí bảo dưỡng tăng thêm khí chạy tua bin khí bằng dầu.