Già làng nặng lòng với chữ Thái

25/06/2023, 07:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mong muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc không bị mai một, ông Lường Văn Chựa miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và đồng thời truyền dạy chữ Thái.

Già làng nặng lòng với chữ Thái ảnh 1

Ông Lường Văn Chựa luôn đam mê với văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: INT

Để học viên dễ tiếp thu, ông Chựa phối hợp cùng các giáo viên đã nghỉ hưu, dựa vào tài liệu dạy chữ Thái của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La, xây dựng chương trình học phù hợp, phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Ngoài việc, soạn giáo án gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, ông Chựa cũng dành nhiều thời gian phân tích, giải nghĩa hoặc dịch ra tiếng phổ thông để học viên hiểu hơn, tìm tòi, hướng dẫn bà con cài đặt phần mềm học ngôn ngữ Thái trên máy tính và điện thoại thông minh để học thêm tại nhà.

Từ lớp học đầu tiên ở xã Chiềng Pằn, nay đã lan tỏa phong trào học chữ Thái sang các xã: Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Sặp Vạt, thu hút nhiều lượt người tham gia.

Học viên Lò Thị Anh, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn cho biết: “Lớp chữ Thái rất bổ ích cho bản thân tôi. Không đơn thuần chỉ là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm học và bảo tồn chữ viết, tiếng nói dân tộc mình. Tôi sẽ cố gắng học để dạy lại cho con, cháu”.

Không chỉ miệt mài lưu giữ chữ viết, ông Chựa còn gìn giữ, bảo tồn những làn điệu dân ca, truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái. Năm 2018, ông đứng ra thành lập nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái Yên Châu với 19 thành viên.

Ngoài dân tộc Thái còn có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú cũng tham gia. Từ khi thành lập đến nay, ông Chựa cùng nhóm mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí cho bà con trên địa bàn huyện.

Ông Vì Văn Quang, xã Chiềng Hắc cho hay: “Mới đầu học tiếng Thái, tôi thấy rất khó tiếp thu, nhất là chữ viết. Sau một thời gian kiên trì, sự tận tình, cởi mở của ông Chựa, tôi đã hiểu và viết được chữ Thái. Giờ tôi có thể viết chữ Thái nhuần nhuyễn theo ý muốn của mình. Từ lúc biết viết chữ Thái, tôi cũng chỉ dạy cho vợ tôi mỗi khi rảnh rỗi, thi thoảng tôi cũng tập viết các bài hát khắp Thái, để dạy vợ hát”.

Chị Vỉ Thị Hoa, xã Chiềng Hặc cho hay: “Năm nay tôi 35 tuổi, dù là người Thái nhưng tôi chưa biết viết hoặc đọc chữ Thái. Thấy các cô, bác ở xã theo học, tôi thấy mình là người Thái cũng cần nên biết. Vì vậy, tôi đã tham gia lớp học. Hiện, tôi cơ bản đã biết viết rồi nhưng chưa thuần thục lắm. Tôi sẽ cố gắng học tập thêm”.

Tâm huyết với văn hóa dân tộc, những việc làm của ông Lường Văn Chựa đã và đang góp phần lưu giữ, truyền đạt cho các thế hệ hiểu và thêm yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với những đóng góp của mình, ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Sở GD&ĐT, UBND huyện Yên Châu tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông Chựa là một trong những điển hình thi đua yêu nước trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh Sơn La trong thời gian vừa qua.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gia-lang-nang-long-voi-chu-thai-post644101.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gia-lang-nang-long-voi-chu-thai-post644101.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Già làng nặng lòng với chữ Thái