Nếu như 10 năm trước các dự án có xu hướng dịch chuyển về hướng Tây - Tây Nam Thủ đô, thì ngày nay nhiều người trẻ và các nhà đầu tư đang đón đầu xu hướng dịch chuyển về hướng Đông Bắc để lấp đầy vùng Thủ đô, khiến bất động sản ở những khu vực này, đặc biệt là các quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) hoặc các địa phương lân cận như Từ Sơn (Bắc Ninh) liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Kinh doanh OneHousing chia sẻ, nhà trung tâm đang bị đẩy giá lên cực cao khiến người mua có xu hướng dịch chuyển lựa chọn ra những quận mới.
Hai khu vực có xu hướng dịch chuyển nhiều nhất hiện nay là khu vực Tây và Đông Hà Nội. Phía Đông đang được phát triển cả về giao thông và hạ tầng, phía Tây cũng đã sớm phát triển cộng đồng đại đô thị với dân cư vô cùng phát triển. Cả hai khu vực trên đều đang chứng kiến sự dịch chuyển mãnh liệt với nhiều dự án mới.
Về bài toán tài chính, ông Trung chia sẻ, tối thiểu có trong tay 50% giá trị căn nhà thì mới nên quyết định mua căn nhà đó.
“ Trên lý thuyết, ngân sách tự có 30% đã có thể được hỗ trợ gói vay từ ngân hàng, tuy nhiên khi hết khoảng thời gian hỗ trợ lãi suất mà nếu không có phần nào để thanh toán dự phòng vào phần vốn vay, người mua sẽ rơi vào tình trạng chịu nhiều lãi phát sinh, gây áp lực tài chính cho chính người mua, trở thành bài toán không tối ưu ”, ông Trung khuyến cáo.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương, khi giá nhà TP.HCM liên tục lập mặt bằng mới thì khu lân cận (với khoảng cách di chuyển 30-45 phút di chuyển tính từ trung tâm TP.HCM) như Bình Dương, Đồng Nai là một lựa chọn với người trẻ.
Trong đó, khu vực Bình Dương với nguồn cung căn hộ giá dao động trên dưới 2,8 tỉ đồng/căn tại Dĩ An - giáp ranh TP. Thủ Đức (TP.HCM) là khoảng cách không quá xa.
“ Nếu mức lương 25-30 triệu đồng/tháng, với tích luỹ ban đầu 500-600 triệu đồng khó sở hữu nhà tại TP.HCM thì con số này hoàn toàn mua nhà tại Bình Dương ở thời điểm này, đi kèm sự hỗ trợ tài chính từ chủ đầu tư ”, ông Khương tư vấn.