Cụ thể, năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai với khối lớp 4, 8, và lớp 11 và một bộ SGK cho các lớp thay sách giá cao gần gấp đôi, thậm chí hơn 2 lần so với sách của chương trình hiện hành. Những năm học trước, nhiều bậc phụ huynh cũng than trời khi bộ SGK mới dành cho khối lớp 1, 2 và 6, 7 và 10 tăng chóng mặt so với các bộ sách cũ.
Còn nhớ vào tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đưa SGK bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa Luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó cũng đã có chỉ thị yêu cầu giảm giá SGK, không ép mua sách bài tập. Tuy nhiên, thực tế, giá SGK mới vẫn ở mức quá cao so với thu nhập của người dân ở vùng khó khăn.
Nhìn lại thời điểm chưa thực hiện thay SGK mới, năm nào Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) cũng báo lỗ khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Từ năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục mới, giá SGK mới đã tăng cao hơn sách của chương trình cũ từ 3 - 4 lần và nhà xuất bản này đã báo cáo có lãi. Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK và hạch toán của NXBGDVN có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK giá rất đắt. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh SGK còn một số vi phạm, dẫn đến giá sách được đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý…
Góp ý về vấn đề giá SGK, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Nhà nước có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá. Trước hết, phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.
“Nhà nước có hai cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế phù hợp khác” - ông Thỏa nêu quan điểm đồng thời cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì... và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ.
Cùng với đó, Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. Hay như quy định về lợi nhuận, đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân.