"Tăng giá là chuyện dễ hiểu"
"Phòng em ở hiện tại có giá 3,6 triệu đồng/tháng, trong khi trước đây chỉ có giá 3,1 triệu đồng. Phòng đã bị nâng giá lên khá cao tuy nhiên chúng em vẫn phải “nhắm mắt” thuê vì sợ không có chỗ ở” - Hoàng Tâm - tân sinh viên Trường Đại học Văn hoá kể.
Không thể tìm được phòng nên Anh Chinh - tân sinh viên Trường Đại học Thương Mại đã quyết định ở ghép với một số bạn mới quen. Tuy nhiên, đến khi xem phòng trọ thì phát hiện chủ nhà "treo đầu dê, bán thịt chó", nhưng nhóm bạn không còn sự lựa chọn nào khác.
"Em tìm được một phòng khá ưng ý ở khu vực Hồ Tùng Mậu với giá 3,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi đến xem phòng thì lại không như mong muốn, phòng nhỏ hơn ảnh rất nhiều, chỉ tầm 20m2 dành cho 3 người ở rất chật chội. Chủ trọ giới thiệu chúng em phòng khác giá 4 triệu đồng rộng hơn một chút. Dù đắt nhưng vẫn phải thuê vì quá mệt mỏi với việc tìm kiếm phòng” - An Chinh kể.
Lý giải về việc phòng trọ tăng giá, chị Khánh Hiền - chủ nhà trọ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết, đầu năm học nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên ngoại tỉnh tăng cao khiến phòng trọ trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều chủ trọ tăng giá phòng là điều dễ hiểu.
"Đã có tình trạng sáng báo giá phòng nhưng người thuê kêu đắt không đồng ý, chiều gọi lại muốn thuê nhưng đã hết phòng. Giờ chậm chân một phút đã hết phòng nên ưng phòng nào thì phải đặt cọc luôn chứ không chần chừ. Muốn tìm phòng rẻ, đầy đủ tiện nghi thì phải chấp nhận ở xa trường cả chục cây, phòng sạch đẹp thì phải chịu đắt” - chị Hiền cho biết.
Dành lời khuyên cho tân sinh viên, bạn Phan Hồng Nhung - sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết - nếu không thuộc đối tượng được ở trong kí túc xá, các em nên tìm bạn ở ghép. Việc này vừa giúp giảm chi phí, vừa giúp đỡ nhau học tập.
Theo đó, trong trường hợp đã ưng ý căn phòng nào đó, quyết định thuê thì phải thỏa thuận những khoản tiền phải đóng khi ở trọ như điện, nước, wifi, giữ xe... Đồng thời, tìm cách nắm tình hình an ninh tại khu vực để đảm bảo an toàn về lâu dài.