Giá trị của bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi

14/10/2023, 12:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từng tạo nên “làn sóng” tranh luận vào năm 2021 khi xuất hiện trong sách Ngữ Văn lớp 6 chương trình đổi mới giáo dục, bài thơ “Bắt nạt” đến nay vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi. Ở một góc nhìn thì tác phẩm cũng đã góp phần tạo nên cuộc đối thoại đa chiều giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Nhìn nhận bài thơ với tư duy đổi mới giáo dục

Mặc dù vướng không ít tranh luận, bài thơ Bắt nạt đã tạo ra cuộc đối thoại đa chiều với sự tham gia của cả thầy cô, phụ huynh đến học sinh. Và tận dụng tinh thần tranh luận cởi mở này, việc phân tích bài thơ có thể khơi gợi sáng tạo, xây dựng quan điểm, lập luận trong lớp học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

Ở góc độ của người giảng dạy, thầy Trịnh Văn Khoát (giáo viên Ngữ Văn, TP.HCM) nhận xét, thầy hoàn toàn ủng hộ việc đưa chủ đề về bắt nạt này vào chương trình, SGK. “Về cơ bản, chủ đề bài thơ nói về giáo dục chống bạo lực học đường, đây là một chủ đề tích cực và phù hợp với đối tượng học sinh lớp 6” - thầy Khoát chia sẻ.

Giá trị của bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi - 5

Bài thơ Bắt nạt trong cuốn sách Ra Vườn Nhặt Nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Ảnh: Ra Vườn Nhặt Nắng

Tuy nhiên thầy cho rằng, ở khổ 3, câu “Sao không ăn mù tạt - Đối diện với thử thách đi?” chưa hợp lý. “Xét tâm lý học sinh bắt nạt, thứ nhất thể hiện sức mạnh và khẳng định giá trị bản thân, hai là muốn người khác quy phục mình. Vậy việc ăn mù tạt chưa giúp học sinh bắt nạt đó thỏa mãn nhu cầu trên. Những thử thách như ăn ớt, mù tạt, cùng lắm là những trò vui đùa của các em thôi”, thầy phân tích.

Còn bạn Như, ở góc độ học sinh thì cho biết: “Mình cho rằng câu thơ “Sao không ăn mù tạt - Đối diện với thử thách đi?” là một cách nói ví von rằng các bạn nên thử sức với những thứ nằm ngoài vùng an toàn của mình (ví dụ như chơi môn thể thao mình không thích, học ngôn ngữ mới) hơn là chỉ giới hạn trong nghĩa thô là “ăn mù tạt”. Vì vậy đối với mình nếu phân tích bài thơ ở góc độ tích cực thì bài thơ có giá trị, ý nghĩa”.

Giá trị của bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi - 6

Có ý kiến cho rằng bài thơ chưa trọn vẹn cũng là cơ hội mở ra cuộc thảo luận rôm rả trên lớp. Ảnh chụp màn hình

Thầy Khoát phân tích, giọng điệu các khổ cuối hơi thách thức, như là từ “sao không”, chưa hợp với giáo dục thiên về định hướng và khích lệ chứ không nên thách thức như vậy. Thầy gợi ý, nếu muốn các em học sinh chuyển tâm lý thể hiện sức mạnh thành tâm lý thể hiện yêu thương thì cần có một cách thuyết phục, sử dụng các từ nhẹ nhàng, khuyên nhủ hơn, ví dụ như:

“Loài hoa được yêu quý

Bởi tỏa sắc và hương

Những người được yêu thương

Là người hay giúp đỡ”.

Trước đây, SGK thường được mặc định là "chuẩn mực", rằng SGK là phải đúng, phải là "chân lý". Tuy nhiên, trong thời đại phát triển vũ bão hiện nay, người học không thể chỉ học "kiến thức" cũng như không thể giữ tư duy "đóng" nhìn nhận vấn đề chỉ với hai cực đúng - sai.

Định hướng giáo dục mới là rèn luyện tư duy phản biện, tự học, tự sáng tạo, tự khám phá. Vì vậy mà sự xuất hiện của những tác phẩm gây nên nhiều luồng tranh luận, nhiều góc nhìn cũng thể hiện được tinh thần đổi mới tư duy. Cụ thể như ở bài thơ "Bắt nạt" này, thầy cô và học trò sẽ có nhiều cơ hội cùng đối thoại đa chiều, phản biện, xây dựng tiết học hiệu quả.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/gia-tri-cua-bai-tho-bat-nat-trong-sach-ngu-van-lop-6-nam-o-tinh-gay-tranh-cai-c216a1510071.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/gia-tri-cua-bai-tho-bat-nat-trong-sach-ngu-van-lop-6-nam-o-tinh-gay-tranh-cai-c216a1510071.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá trị của bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi