Đơn cử, với Thông tư 22 quy định đánh giá học sinh trung học, không còn việc gộp thành điểm trung bình của tất cả môn học để đánh giá như trước. Kết quả học tập của từng môn học được để riêng rẽ giúp thầy cô, học sinh, phụ huynh nhìn nhận rõ mỗi học sinh có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Khái niệm “học sinh giỏi” được nhìn nhận toàn diện, đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hóa từng học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng đã dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với những điểm tiến bộ. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với việc khen thưởng là dân chủ, công khai, công bằng, khách quan, kịp thời; đảm bảo thực chất, đúng người, đúng việc, tránh hình thức; không khen thưởng nhiều lần cho một thành tích; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với vật chất. Chú trọng tuyên dương, tôn vinh, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt; khích lệ, tuyên dương, khen thưởng sự tiến bộ của học sinh so với bản thân và những thành tích nổi bật của học sinh theo từng nội dung giáo dục.
Dù đã có đổi mới từ quan điểm vĩ mô đến triển khai thực tiễn, nhưng trên thực tế, khen thưởng học sinh sao cho đúng cách vẫn là trăn trở của nhiều nhà giáo dục, nhà trường và thầy cô. Chia sẻ của nhiều giáo viên dày dạn kinh nghiệm, khen thưởng đúng cách là đem lại kết quả tích cực cho bản thân người học: Học sinh được đánh giá mình đã phấn đấu, cố gắng được đến đâu và có động lực để phát huy, cố gắng hơn nữa. Khen thưởng đúng cách tạo ra tinh thần học, không gây tổn thương đến những học sinh phấn đấu chưa được nhiều.
Để khen thưởng đúng, thầy, cô giáo và cả các bậc cha mẹ cần đánh giá học sinh trong từng giai đoạn, theo sát học trò, con em trong cả quá trình. Học sinh cũng cần được tự đánh giá để nhận ra điểm mạnh, điểm còn hạn chế của bản thân để thấy kết quả cuối cùng mình nhận được là xứng đáng. Mục tiêu học tập cuối cùng không phải điểm số cao hay tấm giấy khen, mà là những điều có ích học sinh tích lũy mỗi ngày để trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống sau này.