Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC vẫn neo ở mức cao.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 72 - 75,02 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên gần nhất.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 72,4 - 75,5 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên liền trước.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,5 -75,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 61,9 - 63 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 72 - 74,9 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Sáng hôm qua 3/1, trong cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, giá thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được. Nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường biến động mạnh những ngày qua. Đặc biệt ông Tú cũng khẳng định cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao.
"Nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng của người dân, không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ cho giá cả, nhưng cũng không chấp nhận việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 20 triệu đồng mỗi lượng như vừa qua", ông Tú nhấn mạnh.
Hiện thị trường vàng vẫn được quản lý theo Nghị định 24, năm 2012 - thời điểm ưu tiên chống vàng hóa nền kinh tế, không để thị trường này ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô, lãi suất, tỷ giá.
Ông Tú nói thêm: "Nghị định 24 đã phát huy được vai trò quan trọng, nhưng chính sách quản lý 10 năm không còn phù hợp, cần được thay đổi. Chúng tôi thấy rằng câu chuyện quản lý vàng lúc này là sự cần thiết của việc sửa Nghị định 24. Việc duy trì sự độc quyền của vàng miếng SJC hay có thêm nhiều thương hiệu khác theo sự tư vấn của các chuyên gia sẽ được xem xét".