Khách đến xếp hàng tràn cả ra vỉa hè trước cửa hàng vàng.
Sáng ngày 21/3/2024, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng vọt lên mức đỉnh lịch sử là 2.222 USD/ounce ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong phiên họp kết thúc vào rạng sáng 21/3 (giờ Việt Nam).
Mặc dù giá vàng thế giới đứng trên đỉnh lịch sử, cao chưa từng có nhưng giá vàng Việt Nam lại được điều chỉnh giảm. Chiều ngày 21/3/2024, giá vàng miếng SJC giao dịch loanh quanh ở mức 81 triệu đồng/lượng.
Đến 13h chiều ngày 22/3/2023, giá vàng thế giới ở mức 2.184 USD/ounce/lượng nhưng giá vàng tại thị trường Việt Nam vẫn giảm không ngừng khi SJC niêm yết vàng miếng ở mức 78-80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn được giao dịch quanh mốc 67,9-69,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thậm chí, Doji còn niêm yết giá vàng miếng xuống mức 77,7-79,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm tới 900 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Bảo tín Minh Châu cũng giao dịch vàng miếng quanh mốc 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), vàng nhẫn ở mức 68,58-69,88 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Có người chi gần 5 tỷ đồng để mua vàng đầu tư thời điểm đang sốt giá.
Trao đổi với PV, ông Đinh Tùng Lâm – Viện Thực hành đầu tư Tài chính Da-Vinci cho biết, ngày hôm qua, giá vàng thế giới đã lên đến biên độ tối thiểu là 2.200 USD/once nên vùng giá này khá nhạy cảm và nguy hiểm cho nhà đầu tư vì rất có thể đảo chiều.
“Giá vàng miếng của Việt Nam đang chênh lệch với giá thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng nên đang ở mức khá cao. Nếu muốn mua thì phải mua từ trước Tết, còn bây giờ nhà đầu tư không nên mua vào nữa mà phải ngồi im”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, xu hướng tăng của giá vàng thế giới vẫn còn và trong 2-3 tháng tới có thể đạt mức 2.350 USD/ounce nên nếu nhà đầu tư đã có vàng trong tay thì chưa nên bán vội.
“Giờ không nên mua cũng không nên bán. Nếu có sẵn tiền trong tay thì tôi nghĩ nên đầu tư bất động sản ở các tỉnh xa, không phải Hà Nội vào thời gian này vì nó đang ở đáy rồi”, ông Lâm nhận định.