"Giá vàng miếng SJC liên tục duy trì cách biệt 5-6 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới trong suốt nửa năm qua, có thời điểm mức chênh lên gần 10 triệu đồng/lượng do nhiều nguyên nhân: nguồn vàng SJC khan hơn vì từ lâu Ngân hàng Nhà nước không cấp phép sản xuất vàng miếng, mấy năm trước khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới đã có làn sóng xuất vàng ra nước ngoài dưới dạng mỹ nghệ nên lượng vàng trong nước hao hụt một phần", ông Phương lý giải.
Tuy nhiên, theo ông Phương, dù nhu cầu có nhích nhẹ nhưng nếu xét về lượng giao dịch thì không thể so sánh với thời điểm 10 năm trước do hiện nay quy mô thị trường vàng đã thu hẹp rất nhiều, chỉ bằng 1/5 so với trước. Do vậy chỉ cần gọi mua 500 - 1.000 lượng vàng đã đủ tạo sóng. Khác xa với việc giao dịch vài chục ngàn lượng vàng mỗi ngày như thời gian trước.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, chính việc giá vàng bị neo ở mức cao trong nhiều tháng qua cộng với yếu tố dịch bệnh kéo dài, giá hàng hóa tăng và các dự báo về việc giá vàng có thể lên hàng trăm triệu đồng khiến người dân "nhắm mắt đưa chân".
Tuy nhiên theo ông Phương, mức giá này gần như là không tưởng vì giá trong nước muốn lên mức đó thì giá vàng thế giới phải đạt mức 5.000 - 6.000 USD/ounce, tức gấp 3 lần giá hiện nay. Đây là điều rất khó xảy ra.
Cùng với việc giá vàng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới quá xa đã đẩy giá USD tự do lên mức 23.300 đồng/USD (mua vào) và 23.400 (bán ra), trong khi giá bán USD tại ngân hàng chỉ ở mức 22.730 đồng/USD, mua vào 22.530 đồng/USD.