Theo Oilprice lúc 6h30 ngày 10/2 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 76,60 USD/thùng, tăng 0,49% (tương đương tăng 0,37 USD/thùng).
Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 81,94 USD/thùng, tăng 0,39% (tương đương tăng 0,32 USD/thùng).
Giá dầu kỳ hạn tăng liên tục cả tuần, với mức tăng gần 6%, lấy lại được gần hết mức mất mát cùa tuần trước (giảm gần 7%).
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC ở Galena, Illinois, cho biết: “Chúng tôi tin rằng kiểu biến động giá hằng tuần này trên thị trường dầu thô sẽ đặc trưng hơn nữa trong thời gian còn lại của tháng khi thiếu các tiêu đề tăng giá lớn từ Trung Đông có thể buộc phải điều chỉnh cân bằng dầu toàn cầu”.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm 4 giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lên 623 giàn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2023.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng nội địa của Mỹ đã quay trở lại, tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày. Tháng trước, thời tiết lạnh giá đã khiến các khu vực sản xuất dầu phải đóng cửa trên diện rộng.
Cũng hỗ trợ giá dầu mạnh mẽ là xung đột ở Trung Đông đang leo thang. Ngày 9/2, Israel tiếp tục các cuộc không kích vào Dải Gaza sau vụ đánh bom thành phố biên giới phía Nam Rafah trước đó 1 ngày vốn đã đẩy giá dầu tăng vọt khoảng 3%.
Đà leo dốc của giá dầu còn được “tiếp sức” bởi giá xăng và dầu diesel tăng thắt chặt thị trường sản phẩm. Giá xăng tương lai tăng khoảng 9% trong tuần lên 2,34 USD/gallon, trong khi giá dầu sưởi tương lai tăng 11% lên 2,96 USD/gallon.
Cũng trong ngày 9/2, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước Nga mang tên Ilsky và Afipsky, tại Krasnodar Krai, giáp Crimea trên Biển Đen và bờ Biển Azov, gây hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Ilsky.
Thiệt hại từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và sự cố kỹ thuật tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã khiến Nga xuất khẩu nhiều dầu thô hơn so với kế hoạch đã thỏa thuận với OPEC+ trong tháng 2 này.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 10/2/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 8/2 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 793 đồng/lít, không cao hơn 22.120 đồng/lít, xăng RON95 giảm 898 đồng/lít, về mức 23.262 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 292 đồng/lít, không cao hơn 20.707 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 353 đồng/lít, không cao hơn 20.588 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 489 đồng/kg, không cao hơn 15.598 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước), không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa.
Đồng thời không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: thông tin về cuộc đàm phán ngừng bắn tại Gaza, xung đột tại khu vực Biển Đỏ, tồn kho xăng dầu tại Mỹ tăng lên, nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang được đại tu, cháy nhà máy lọc dầu tại Nga, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn có thể hạn chế nhu cầu dầu…
Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024 đến nay mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm. Trước đó, giá xăng đã tăng liên tục 4 tuần liên tiếp.