Khép lại tuần giao dịch, giá dầu thế giới ghi nhận tuần biến động lao dốc khoảng 3%.
Ghi nhận lúc 6h30 ngày 21/4 trên Oilprice, giá dầu WTI giao dịch ở mốc 83,24 USD/thùng, tăng 0,50% (tương đương tăng 0,41 USD/thùng), giá dầu Brent ở mốc 87,39 USD/thùng, tăng 0,21% (tương đương tăng 0,18 USD/thùng).
Giá dầu WTI ổn định trên 83 USD/thùng, giá dầu Brent ổn định trên 87 USD/thùng vào thứ Sáu, phục hồi sau mức giảm trước đó, sau khi Iran hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ của mình, đồng thời cho biết họ không có kế hoạch trả đũa.
Ngoài ra, hôm thứ Năm, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào 16 cá nhân và hai thực thể có liên quan đến chương trình máy bay không người lái của Iran.
Theo Reuters, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ bắt đầu tăng sản lượng dầu từ tháng 7. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không loại trừ khả năng căng thẳng ở Trung Đông có thể sẽ làm gián đoạn nguồn cung.
Trong khi đó, các nhà phân tích từ Goldman Sachs và Commerzbank đã nâng dự báo giá dầu Brent lên do căng thẳng địa chính trị cũng như triển vọng nhu cầu gia tăng và nguồn cung hạn chế của OPEC+.
Có thể, những hành động trên là một phần nguyên nhân dẫn đến giá dầu thô Brent giảm khoảng 3% trong tuần, mức giảm hằng tuần cao nhất trong 2 tháng qua.
Từ 15h ngày 17/4, giá xăng E5 RON92 tăng 378 đồng/lít, không cao hơn 24.226 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 416 đồng/lít, không cao hơn 25.237 đồng/lít.
Giá các loại dầu thay đổi như sau: Dầu diesel giảm 164 đồng/lít, không cao hơn 21.446 đồng/lít; dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, không cao hơn 21.416 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 198 đồng/kg, không cao hơn 17.206 đồng/kg.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp diễn, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng lên… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen tùy từng mặt hàng.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 16 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 9 kỳ tăng đồng loạt, 4 kỳ giảm giá, 3 kỳ giảm giá xăng tăng giảm đan xen.