Tính riêng quý III, tổng số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu trong nước trích quỹ bình ổn giá là 502 tỷ. Ở chiều ngược lại, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này trong giai đoạn tháng 7-9 là 803 tỷ đồng.
Kết quả là số dư quỹ đã giảm từ mức 1.123 tỷ vào cuối quý II xuống 824 tỷ đồng đến hết tháng 9.
Với việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục giảm trong quý III, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận giảm số dư quỹ, kéo dài từ quý IV/2020 đến nay.
Kể từ ngày 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới.
Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, công thức tính giá cơ sở mới cũng sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu, chứ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thế giới. Do đó, một phần thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá cơ sở xăng dầu sẽ được cắt bớt, giảm áp lực lên giá bán lẻ.