Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều nghiên cứu khoa học. Hàng năm thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu. Gần đây, chúng tôi cũng chú trọng và tạo nên “sức ép” cho các nhóm nghiên cứu. Tức là, nghiên cứu phải ra sản phẩm và sản phẩm phải sử dụng được để phục vụ thực tiễn, doanh nghiệp, người dân.
“Khát” nguồn nhân lực
- Vậy với sinh viên thì sao, những nghiên cứu của các em đã đi đến đâu và có khả năng phát triển các sản phẩm không – thưa Giáo sư?
- Chúng tôi rất tâm huyết vào đội ngũ sinh viên và ý tưởng mới mẻ của các em. Chúng tôi quan tâm, chú trọng đến sinh viên làm nghiên cứu khoa học thông qua việc phát động các phong trào, cuộc thi. Từ đó, các em đề xuất ý tưởng nghiên cứu. Khi lựa chọn được những ý tưởng tốt, các thầy, cô sẽ cùng với sinh viên xây dựng và phát triển.
Hiện, có rất nhiều ý tưởng đã được phát triển đưa vào các công ty. Nhiều cựu sinh viên của Học viện đang làm ở các doanh nghiệp, đứng đầu các doanh nghiệp về chăn nuôi, thú y hoặc các sản phẩm cây trồng... Tôi cho rằng, đó là điều rất tốt. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần nung nấu ý tưởng nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện về hành trình khởi nghiệp, bắt đầu từ các trường THPT.
- Thời gian tới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ có chương trình, kế hoạch gì về đào tạo nhằm, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết. Vì thế, chúng tôi đang đổi mới trong đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn nhiều hơn. Tức là, sinh viên có thể linh hoạt thời lượng học tập ở trường để đi đến các doanh nghiệp làm việc, rồi về địa phương.
Chúng tôi tăng thời lượng thực tiễn để các em có kiến thức thực tế, tay nghề tốt hơn. Trước đây, thì chỉ có vài tuần nhưng bây giờ thì có vài tháng hoặc cả một học kỳ, thậm chí còn gọi là “học kỳ doanh nghiệp”.
Học viện cũng kết nối với các trung tâm cung ứng nhân lực và các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, cùng với Nhật Bản, Israel… các tổ chức để cùng đào tạo sinh viên.
- Vậy, ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, GS có nhắn nhủ gì với thí sinh để các em có thể lựa chọn ngành học phù hợp, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp?
- Chúng ta thấy, ở Việt Nam nông nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong khi đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai... thì vai trò của ngành nông nghiệp trở nên quan trọng, như trụ đỡ giúp cho các ngành kinh tế khác để chúng ta phát triển và khôi phục.
Cũng như những ngành khác, hậu Covid-19, nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp cần khôi phục lại nhằm giúp đỡ người dân. Ví dụ như chuyển đổi số trong nông nghiệp hay áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để gia tăng giá trị. Để tăng cường chế biến sâu, thì nguồn nhân lực cho lĩnh vực này rất quan trọng và đòi hỏi phải có kiến thức.
Khi chúng tôi làm việc với các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn, họ đã đặt vấn đề với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc về đào tạo nguồn nhân lực. Điều đó cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp đang rất thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
- Xin cảm ơn GS!