Từ bài thơ trên, con cháu dòng chính của vua sẽ có chữ lót tuần tự qua các đời theo thứ tự chữ viết. Theo đó: Các con cháu của vua Minh Mạng sẽ lót chữ Miên vào tên như Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị), Nguyễn Phúc Miên Thẩm (Tùng Thiện vương), Nguyễn Phúc Miên Định (Thọ Xuân vương)…
Cháu nội vua sẽ lấy tên lót chữ Hồng để đặt tên như Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức), Nguyễn Phúc Hồng Y (Thoại Thái vương), Nguyễn Phúc Hồng Cai (Kiên Thái vương).
Thế hệ tiếp theo (con vua Tự Đức) sẽ được lấy chữ Ưng để đặt tên như Nguyễn Phúc Ưng Chân (vua Dục Đức), Nguyễn Phúc Ưng Đăng (vua Kiến Phúc), Nguyễn Phúc Ưng Lịch (vua Hàm Nghi)…
Tiếp nữa là chữ Bửu như Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định), Nguyễn Phúc Bửu Lân (vua Thành Thái)… Tiếp đến con của vua Khải Định hay vua Thành Thái sẽ dùng chữ Vĩnh để đặt tên như Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại)…
Rõ ràng, vua Minh Mạng đã dày công sáng tác một bài thơ vừa dùng để đặt tên con cháu, vừa hy vọng triều Nguyễn của ông có thể trường tồn. Tuy nhiên, khi bài thơ 4 câu mới chỉ dùng hết câu thơ đầu tiên thì triều Nguyễn đã chấm dứt.
Ngoài “Đế hệ thi”, vua Minh Mạng còn sáng tác những bài thơ “Phiên hệ thi” cho anh em của ông như bài “Anh Duệ hệ” dùng cho con cháu hoàng tử Cảnh, “Kiến An hệ” dành cho con cháu hoàng tử Nguyễn Phúc Đài, “Định Viễn hệ” cho Định Viễn quận vương, “Diên Khánh hệ” cho Diên Khánh vương Nguyễn Phúc Tấn, “Điện Bàn hệ” dành cho con cháu hoàng tử Nguyễn Phúc Phổ.
“Thiệu Hóa hệ” cho Quận vương Nguyễn Phúc Chẩn, “Quảng Oai hệ” cho Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, “Thường Tín hệ” cho Quận vương Nguyễn Phúc Cự, “An Khánh hệ” cho An Khánh công Nguyễn Phúc Quang, “Từ Sơn hệ” cho hoàng tử thứ 13 Từ Công Sơn.
Giải mã về chữ “Phúc” được dùng để đặt tên lót cho con cháu hoàng gia triều đại này, sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn” có chép về giai thoại liên quan.
Theo đó, bà Nguyễn Thị - vợ chúa Tiên Nguyễn Hoàng một đêm nằm mơ thấy có một tờ giấy đề chữ “Phúc” bay từ trên trời rơi xuống. Bấy giờ, bà đang mang thai, ai cũng bảo đứa trẻ được sinh ra nên đặt tên là “Phúc”.
Thuận ý, song bà Nguyễn Thị nghĩ “nếu đặt tên là Phúc thì chỉ một mình nó được hưởng lộc, chi bằng lấy chữ Phúc đó đặt tên lót để con cháu từ đó ai cũng được hưởng phúc lộc trời ban”. Vậy là, từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hậu duệ con cháu triều Nguyễn đều lấy chữ Phúc làm tên lót.