Nhiều nhà phân tích chỉ trích Mỹ và đồng minh chậm cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà nước này cần. Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Mối đe dọa Xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, "rõ ràng những lo ngại trong chính phủ Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ leo thang xung đột cũng như làm tăng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đã không xảy ra".
Về sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine gần đây chỉ nhận được các xe tăng M1 Abrams và Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân, trong khi việc huấn luyện sử dụng tiêm kích F-16 chỉ mới bắt đầu và Kiev chưa thể nhận được máy bay chiến đấu này cho tới năm sau. Lực lượng Không quân Ukraine chủ yếu sở hữu các tiêm kích cũ thời Liên Xô nhưng chúng không đủ để chế áp phòng không Nga, cung cấp hỗ trợ không lực tầm gần cũng như tiến hành các cuộc tấn công mặt đất cần thiết để thực sự xuyên thủng phòng tuyến Nga. Ukraine cho biết việc thiếu các phương tiện trên không đã cản trở nỗ lực phản công của nước này và các chuyên gia chỉ ra rằng ngay cả phương Tây cũng khó có khả năng tiến hành chiến dịch như vậy nếu không có sự yểm trợ trên không.
Ukraine vẫn đối mặt với những thách thức về đạn dược thậm chí cả khi phương Tây tăng cường sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155mm và hỗ trợ cho Kiev đạn chùm gây tranh cãi như một giải pháp tạm thời.
Về huấn luyện và chiến thuật, có một số vấn đề khi Ukraine chuyển từ vũ khí thời Liên Xô sang các hệ thống vũ khí phức tạp của NATO và trải qua các cuộc huấn luyện tác chiến binh chủng hiệp đồng chỉ trong một vài tháng.
Kết quả của quá trình huấn luyện này cũng rất phức tạp. Ban đầu các đơn vị ít kinh nghiệm bị mất định hướng, trì hoãn tấn công, mất đi lợi thế là yếu tố bất ngờ và chật vật trong việc sử dụng các vũ khí hiện đại.
Chỉ một vài tuần sau khi cuộc phản công bắt đầu, các lực lượng của Ukraine lại gạt sang một bên các chiến thuật phương Tây và quay về chiến thuật ban đầu, đó là sử dụng pháo và bộ binh tiến công thành từng nhóm nhỏ để vượt qua các bãi mìn của Nga.
Ngoài ra, cũng có một số cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về việc liệu có phải Kiev đã dàn lực lượng quá mỏng trên nhiều mặt trận. Một số ý kiến cho rằng, năng lực tác chiến phân tán trên nhiều mặt trận sẽ khó có thể tạo nên một lực lượng tập trung để tạo đột phá lớn, nhưng thách thức của Ukraine là phải xem nên tấn công ở đâu trên tiền tuyến trải dài cả nghìn km.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng Ukraine đã thích nghi với thực tế này. Không có đội quân nào với vũ khí mới và một vài tháng huấn luyện có thể làm tốt hơn Kiev trong tình hình này, chuyên gia Gady đánh giá. Nhận định này cũng được nhiều chuyên gia tán thành khi cho rằng bất kỳ đội quân phương Tây nào cũng đều phải chật vật khi đối phó với các thách thức mà Ukraine đối mặt, đặc biệt khi không có yểm trợ trên không.
Phòng tuyến kiên cố của Nga nằm trong số những thách thức lớn nhất ngăn cản Ukraine giành lại lãnh thổ. Bắt đầu từ cuối năm 2022, các lực lượng của Nga dưới sự chỉ đạo của Tướng Sergei Surovikin, đã bắt đầu xây dựng các phòng tuyến này. Họ có thời gian và nguồn lực dồi dào để xây dựng từ các bãi mìn rộng khắp cho tới các chiến hào chống tăng, phòng tuyến răng rồng và các bẫy mìn.
Khi Nga đối phó với cuộc phản công của Ukraine, các lực lượng của Moscow cũng triển khai chiến thuật phòng ngự chiều sâu, rút khỏi các vùng lãnh thổ rồi sau đó phản công khi Ukraine tiến công và dễ tổn thương.
Những bước lùi ban đầu đã buộc Ukraine - ban đầu sử dụng các lực lượng cơ giới để xuyên thủng phòng tuyến trước khi nhận ra chúng kiên cố thế nào - phải tạm dừng và suy nghĩ lại về kế hoạch của mình.
Những báo cáo từ chiến trường cho thấy quân đội Ukraine với xe tăng Leopard và Challenger cũng như các phương tiện bọc thép khác đã gặp vấn đề khi cố gắng xuyên thủng phòng tuyến Nga, thường là va phải các bãi mìn, được bao quanh bởi pháo, UAV và máy bay chiến đấu, trong đó có trực thăng tấn công Ka-52 được trang bị tên lửa chống tăng.
Tuy nhiên, sau đó Ukraine đã tìm ra cơ hội để tiến công chậm mà chắc. Có lẽ chiến dịch triển vọng nhất là cuộc tiến công ở Zaporizhzhia hồi đầu mùa thu khi Ukraine xuyên thủng phòng tuyến Surovikin. Dù vậy, kế hoạch khoét rộng phòng tuyến Nga nhằm đưa xe bọc thép vào để giành lại các vùng lãnh thổ Moscow kiểm soát vẫn chưa thể thực hiện.
Trả lời phỏng vấn AP, Tổng thống Zelensky cho biết: "Chúng tôi muốn các kết quả nhanh hơn. Nhưng thật không may chúng tôi không đạt được những gì mình mong muốn. Đó là sự thật". Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Zaluzhny cũng cho rằng, Kiev khó tạo đột phá quyết định trong tương lai gần.
Hiện nay, khi cuộc phản công kết thúc, mùa đông bắt đầu và Nga tiến hành các cuộc tấn công mới, chẳng hạn như chiến dịch ở Avdiivka, hiện chưa rõ liệu Ukraine có khả năng tiến hành một cuộc phản công toàn diện vào mùa xuân năm sau hay không. Hoặc có lẽ Ukraine sẽ tiếp tục phòng thủ, làm tiêu hao các lực lượng của Moscow và tìm cách giành lợi thế khi có thể.
Giới quan sát cho rằng giờ là thời điểm để Ukraine và phương Tây suy nghĩ về cách tốt nhất để tiếp tục chiến đấu. Có lẽ họ sẽ cần đánh giá lại những tính toán của mình, suy nghĩ về chiến thuật và ưu tiên các hệ thống vũ khí mà Ukraine cần trong một cuộc xung đột chưa có hồi kết.