Giải pháp lan tỏa tiếng Việt trên đất nước Lào

05/07/2023, 07:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được tuyển chọn đi giảng dạy Tiếng Việt tại Lào là niềm vinh dự rất lớn và tôi may mắn được cử sang nước bạn làm nhiệm vụ này.

Cô Anonglak là một trong những giảng viên người Lào rất đam mê giảng dạy Tiếng Việt. Qua trao đổi và thông hiểu chuyên môn cô đã mạnh dạn sắp xếp lại nội dung giảng dạy phù hợp với thời gian học của từng đối tượng theo khung năng lực Tiếng Việt dành cho người nước ngoài.

Cô bắt đầu rèn luyện từ việc học bảng chữ cái, âm, vần; tập đọc, tập nói tiếng, từ... đến việc luyện giao tiếp theo chủ đề; luyện viết đoạn văn theo chủ đề. Cô chú trọng vào việc phát huy năng lực người học. Khi học viên đọc, viết được tiếng Việt, cô tăng cường hoạt động thực hành trải nghiệm. Từng giờ dạy của cô đã gây ấn tượng, thu hút, đã thật sự mang lại hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

Song song với việc làm đó, tôi chăm chút thiết kế những bài giảng điện tử để giảng dạy các môn học tôi được phân công. Những bài giảng của tôi luôn sinh động, bắt mắt, hấp dẫn dễ học, dễ nhớ. Trong mỗi bài giảng, tôi đổi mới phương pháp vận dụng sáng tạo các kỹ thuật dạy học để sinh viên và học viên học tập không bị nhàm chán, hăng say học tập đạt hiệu quả.

Chẳng hạn: Muốn người học nhớ vần, nhớ cách ghép phụ âm với vần để được tiếng thì người dạy cần phải chủ đích tạo từ, có thể dùng ngay từ mà người học vừa ghép được. Hãy chọn lọc những từ gần gũi, dễ đọc, dễ nhận thấy, dễ hiểu và có thể nhớ lâu,… như vậy người học sẽ rất vui, ham thích học tập.

Khi người học có thái độ tích cực học tập, người dạy phải khéo nâng cao kỹ năng nhận biết tiếng, từ mà người học được tiếp cận bằng cách tập nói câu ngắn có tiếng, từ đã được khám phá. Người dạy không nên giới hạn số lượng tiếng, từ trong câu. Học viên nói tròn câu, đủ ý là được.

Tập nói thạo câu ngắn là bước ngoặc quan trọng có thể xem là chìa khóa kích hoạt độ nhạy bén, khả năng ứng xử linh hoạt của học viên khi sử dụng Tiếng Việt. Người dạy nên khuyến khích học viên nói theo nhiều cách khác nhau, tuyệt đối không được chê trách hay đánh giá, nhận xét học viên sai. Hãy động viên khuyến khích học viên cảm nhận và nói theo cách hay mà người dạy chủ động nêu ra.

Học viên nói được câu, câu nói đúng ý nghĩa sẽ tăng độ hứng thú học tập lên gấp bội phần. Lớp học sinh động. Điều này thể hiện rõ sự thành công của người dạy và giờ dạy đạt mục tiêu đề ra. Trong quá trình thi nhau nói câu ngắn, người dạy cần giới thiệu thêm với người học về cách nói của người Việt. Cách làm này không chỉ giúp học viên nhận thấy cách nói sai mà người học luôn phát hiện cách nói hay, phù hợp với giọng điệu người Việt.

Cách nói người Việt chỉ nên chia theo 2 kiểu để người học dễ nhớ: Nói vắn tắt, câu tỉnh lược, cách nói này thường dành cho câu hỏi, câu trả lời; nói đầy đủ, câu có đủ 2 bộ phận chính và có thể có các bộ phận phụ, cách nói này rõ ý và hay.

Điểm lưu ý quan trọng trên đòi hỏi sự linh hoạt của người dạy rất cao. Người dạy vừa phải nhạy bén lựa chọn và khéo sử dụng câu vừa tiếp sức sửa chữa câu cho học viên theo nguyên tắc khuyến khích học viên nói, hăng say nói và dần dần nói hay nói chuẩn; học viên không rụt rè, nhút nhát sợ sai khi tập nói.

Sau khi học viên nói tốt câu ngắn, người dạy cần vun đắp sự say mê học tập của học viên bằng những lời khen khi nói được câu dài, câu có ý nghĩa hay đúng cấu trúc ngữ pháp,…. Không dừng lại ở khả năng nói câu mà cần giao việc thêm cho học viên lần lượt viết đoạn giới thiệu theo các chủ đề: Một ngày của bạn; Gia đình của tôi; Bản thân tôi; Thời tiết đất nước tôi; Kinh nghiệm của tôi trong thời gian học Tiếng Việt,….

Giải pháp lan tỏa tiếng Việt trên đất nước Lào  ảnh 3

Dạy học Tiếng Việt trên đất Lào.

Hoạt động bổ trợ lan tỏa Tiếng Việt

Nhằm giúp cho nhà trường rèn luyện sinh viên có vốn kiến thức Tiếng Việt và kĩ năng vững vàng sau khi tốt nghiệp, tôi mạnh dạn đóng góp chương trình đào tạo, hỗ trợ thiết kế chương trình khung đào tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bổ sung một số môn học cần thiết vào chương trình.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tôi đã kết nối Trường Đại học Champasak kết nghĩa với các đơn vị tại Đồng Tháp (Trường Đại học Đồng Tháp, Sở GD&ĐT Đồng Tháp). Trong đó, lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Đồng Tháp – Trường Đại học Champasak; Trường Đại học Đồng Tháp – Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Champasak đã được truyền thông trên báo chí Việt Nam.

Ngoài ra, nhằm giúp cho các giảng viên cũng như học viên có môi trường tiếp cận, tra cứu, trải nghiệm Tiếng Việt, tôi đã vận động các thư viện tại khu vực miền Nam Việt Nam tài trợ các loại sách Tiếng Việt, các giáo trình Tiếng Việt để mở thư viện Tiếng Việt tại trường Đại học Champasak. Các đơn vị tài trợ cụ thể: Trường Đại học Đồng Tháp; Thư viện tỉnh Đồng Tháp; CTCP sách & thiết bị giáo dục Cửu Long.

Trên đây là những hoạt động tôi đã thực hiện được trong quá trình sinh sống, công tác tại Lào. Những ý nghĩ và những việc tôi đã làm xuất phát từ tâm thiện nguyện, giúp đỡ nhà trường theo đúng mục tiêu mà Chương trình hợp tác giữa Giáo dục hai đất nước Việt Nam - Lào đề ra.

Những cách làm trên cũng chỉ mang tính chất cá nhân, là một trong số rất nhỏ của nhiều giải pháp mà thầy cô, các anh chị và các em đi trước đã làm. Tôi rất mong được đón nhận sự đóng góp, chia sẻ từ phía các đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành sứ mệnh, tạo tình hữu nghị Việt Lào ngày một bền chặt hơn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-lan-toa-tieng-viet-tren-dat-nuoc-lao-post645506.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-lan-toa-tieng-viet-tren-dat-nuoc-lao-post645506.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp lan tỏa tiếng Việt trên đất nước Lào