Đồng thời, các chương trình đào tạo sẽ được cơ cấu lại linh hoạt để hội nhập với quốc tế, tạo điều kiện cho việc trao đổi và công nhận tín chỉ với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở trong, ngoài nước, cũng như thuận lợi trong việc thu hút học viên cao học, nghiên cứu sinh người nước ngoài.
Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và kết nối khởi nghiệp. Đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và thực hiện đào tạo sau đại học thông qua các nhóm nghiên cứu để tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại và từng bước hội nhập với trình độ của thế giới. Đồng thời tăng cường thực hành, thực tập, thực tế trong quá trình đào tạo, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn.
Trong quá trình đào tạo hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia các đề tài, dự án, các hoạt động trợ giảng và có chính sách hỗ trợ xứng đáng những nghiên cứu sinh có thành tích nghiên cứu, công bố xuất sắc.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần xem xét thực hiện điều chỉnh nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng xác định các điều kiện đảm bảo chất lượng theo ngành/chuyên ngành để đảm bảo việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục; hoạt động kiểm định các chương trình đào tạo tiến sĩ theo các tiêu chuẩn của các tổ chức uy tín thế giới được đẩy mạnh.
Thứ ba, giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh và người hướng dẫn đăng báo quốc tế, gắn các đề tài nghiên cứu của các nghiên cứu với các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Tăng cường sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ – Viện nghiên cứu và doanh nghiệp để triển khai đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, liên kết và hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở đào tạo nghiên cứu có uy tín trong khu vực và thế giới.
Chính sách trao học bổng cho người làm nghiên cứu sinh. Nếu có học bổng thì nghiên cứu sinh sẽ chuyên tâm học và làm luận án, từ đó mới có cơ sở để đặt ra yêu cầu chất lượng đào tạo phải cao.
Tăng cường các hoạt động học thuật cho nghiên cứu sinh như: hội thảo khoa học, seminar, trợ giảng, tham gia hướng dẫn luận văn đại học. Bên cạnh đó, nếu luận án tiến sĩ có từ 2-3 công trình đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI có tổng IF>4 thì không cần xin ý kiến phản biện độc lập (phản biện kín) trước khi thành lập Hội đồng đánh giá đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Trường. Đồng thời cũng cắt bỏ việc xin ý kiến các nhà khoa học về bản tóm tắt luận án tiến sĩ với tất cả luận án.
Bộ GD&ĐT cần có giải pháp về việc tăng kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh, vì từ năm 2017 tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra của nghiên cứu sinh đã được tăng lên nhưng chi phí đào tạo nghiên cứu không tăng lên mà lại giảm đi.
Vì chất lượng đào tạo tiến sĩ đã được Bộ GD&ĐT quy định tương đương với các nước trong khu vực. Vì vậy đề nghị nâng kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh/năm cũng phải tăng (tương đương với mức chi phí đơn vị trong khu vực).
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chi phí thù lao cho thầy hướng dẫn cũng cần được xem xét. Để chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam sánh ngang với chất lượng đào tạo của các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc đào tạo tiến sĩ cần phải được đầu tư một cách phù hợp.
Theo GS.TS Vũ Đình Lãm, ở các nước tiên tiến chi phí đào tạo tiến sĩ rất cao: tại Mỹ trung bình là 50.000 USD/năm, các nước Châu Âu khoảng 40.000 USD/năm, Nhật Bản và Hàn Quốc trên 30.000 USD/năm.
Trong khi ở Việt Nam mỗi năm kinh phí đào tạo khoảng 15 triệu đồng/nghiên cứu sinh, cơ sở đào tạo thu học phí khoảng 20-25 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí đào tạo tiến sĩ là 35-40 triệu đồng/năm. Với kinh phí như vậy, các cơ sở đào tạo rất khó để tổ chức giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án chất lượng cao được.
Với lý do đó, một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam đã xây dựng Chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao (chất lượng quốc tế), hoặc nghiên cứu sinh tham gia vào các đề tài/dự án của thầy hướng dẫn, thông qua chương trình này nghiên cứu sinh không phải đóng học phí và có thể nhận được hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học từ các chương trình này.