ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho rằng, việc xét tuyển bằng quá nhiều phương thức sẽ khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn, thậm chí nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển.
Nói riêng về việc xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ, ông Phạm Thái Sơn cho biết: “Phương thức này ảo, không chỉ bởi số lượng đăng ký xét tuyển, mà còn ở chất lượng học tập thực sự ở bậc phổ thông”.
Do đó, theo ông Sơn, giữa phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT với các phương thức khác, đặc biệt là xét học bạ chưa đảm bảo sự công bằng. Để hạn chế tình trạng trên, cần giới hạn các môn, tổ hợp môn xét tuyển trong phương thức xét học bạ THPT.
“Ví dụ như xét khối A00, B00... chứ không phải xét tuyển tùy ý theo phương án của trường đại học”, ông Sơn nêu giải pháp.
Bớt phụ thuộc vào kết quả học bạ THPT, tăng cường xét tuyển theo hướng tổng hợp nhiều tiêu chí cũng là cách nhiều trường đưa ra để tìm được nguồn tuyển chất lượng. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM từ nhiều năm nay xác định kỳ thi đánh giá năng lực là phương thức quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở trường.
Kể cả khi sử dụng điểm thi đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT, nhà trường còn kết hợp nhiều tiêu chí để chọn thí sinh. Trong đó thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ 5%.
Cụ thể, trong phương thức 5 kết hợp nhiều tiêu chí, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội trọng số 75%, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT trọng số 20%, kết quả quá trình học tập THPT trọng số 5% và các tiêu chí khác bao gồm: Thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ.
Ngoài ra, một số trường đại học có điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh. Năm 2023 là năm thứ hai Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để chọn ra thí sinh có những năng lực cụ thể, phù hợp với tính chất của ngành học. Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đều có những kỳ thi đánh giá năng lực riêng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, các trường đại học nói chung cần chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường.
Theo quan điểm của trường, năng lực học tập của người học bậc THPT được thể hiện rõ nét nhất qua việc tiếp thu kiến thức các môn học, từ đó định hình được tư duy định lượng, tư duy định tính và hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Do đó để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào đại học, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao.
Trong các giải pháp trọng tâm của năm học 2023 - 2024, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024, chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Thứ trưởng đề nghị, các trường phân tích dữ liệu tuyển sinh 2 năm qua, cùng kết quả học tập của sinh viên khi vào trường. Từ đó, các trường đánh giá việc đưa ra phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển đã phù hợp chưa, người học được tuyển chọn theo các phương thức khác nhau đó có đảm bảo công bằng hay không.