(GDTĐ) - Vùng Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) được xác định là một trong các khu du lịch quốc gia, là động lực phát triển du lịch cho toàn vùng và là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo Quốc lộ 6.
Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng không ít khó khăn, thách thức
Tại hội nghị xúc tiến du lịch “Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững”, vừa tổ chức tại Mộc Châu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150 ha (bao gồm địa giới hành chính của 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ), có vị trí đắc địa, là cửa ngõ kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối cửa khẩu quốc tế Lóng Sập với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã trở thành "đặc sản”, thành tiềm năng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển du lịch.
Tính riêng năm 2023, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã đón 2,5 triệu lượt khách, chiếm hơn 53,7% khách du lịch đến tỉnh Sơn La, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch 16%/năm; tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu từ du lịch của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 27,8%/năm, tạo việc làm cho 5.100 lao động trực tiếp và đông đảo lao động gián tiếp ngoài xã hội. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.
“Bên cạnh những thành tựu, những kết quả đã đạt được, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trong thời gian tới cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch cũng như những vấn đề về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phát triển đô thị, cũng như những vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, an ninh an toàn cho khách du lịch”, bà Xuân chia sẻ.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển xanh, bền vững
Theo Trưởng phòng Quản lý lữ hành – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Đạo Dũng, để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển xanh và bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Sơn La cần xác định rõ định hướng phát triển không gian tổng thể, phân vùng theo khu vực gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống đô thị (Mộc Châu, Vân Hồ) gắn với phát triển du lịch, trong đó cần bảo vệ phát triển các không gian xanh, đồi chè, đồng cỏ trong đô thị...
Đồng quan điểm, Trưởng phòng sản phẩm của Viettravel Nguyễn Hữu Tân nhấn mạnh, Sơn La cần xác định những sản phẩm du lịch chủ đạo để có chiến lược đầu tư về cơ sở hạ tầng và truyền thông bài bản phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa truyền thông câu chuyện sản phẩm “Thảo nguyên xanh”. Đẩy mạnh kết hợp du lịch cộng đồng, làng nghề, sinh thái, gắn kết yếu tố văn hóa văn nghệ, ẩm thực, gia tăng giá trị sản phẩm và chia sẻ lợi ích cộng đồng. Chú trọng phát huy yếu tố văn hóa độc đáo, riêng có của một số dân tộc thiểu số chỉ có trên địa bàn như: Xinh Mun, Khơ Mú...
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phan Thị Thái Hà cho rằng, Sơn La cần tiếp tục triển khai duy trì và đẩy mạnh số hóa thông tin du lịch về Mộc Châu; chọn lọc số hóa một số điểm tiêu biểu với các công nghệ hiện đại 360, VR,…; tăng ứng dụng công nghệ cho thuyết minh tự động; thông báo, cảnh báo cho du khách về thực trạng điểm đến (như thời tiết, giao thông,…); tăng cường liên kết, truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng số du lịch quốc gia...
Tại hội nghị xúc tiến du lịch “Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã đánh giá cao tỉnh Sơn La trong tổ chức một chuỗi các hoạt động nhằm quảng bá, tìm giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ở tầm cao hơn, để xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu đạt hiệu quả cao và bền vững hơn. Việc Mộc Châu đạt công nhận là Khu du lịch quốc gia không phải là đích đến cuối cùng mà mở ra con đường đi mới cho du lịch Mộc Châu.
Để phát triển du lịch có hiệu quả, bền vững, cần có lộ trình khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của địa phương.
“Trong thời gian tới, Sơn La cần phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, tránh trường hợp phát triển tự phát, phá vỡ không gian du lịch, khai thác cạn kiệt tài nguyên; phải quan tâm huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào khu du lịch quốc gia, phải ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Sơn La phải làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết trong phát triển du lịch; phải xác định thị trường để tăng chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; Đẩy nhanh chuyển đổi số; ưu tiên hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Mộc Châu, Sơn La”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Box:
Tại hội nghị xúc tiến du lịch “Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững”, lãnh đạo tỉnh Sơn La, Bộ VHTTDL cùng các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch, thiết lập liên minh bán sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Sơn La, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội và các doanh nghiệp ngoài tỉnh Sơn La.