Thầy Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, năm đầu tiên tuyển sinh, nhà trường được giao 5 lớp 10 với 75 chỉ tiêu. Học sinh của lớp tiến tiến có thời khoá biểu học cả ngày. Bao gồm buổi sáng học theo chương trình phổ thông hiện hành của Bộ. Còn buổi chiều học chương trình tiên tiến gồm Tiếng Anh tăng cường, Tin học quốc tế, Toán bằng Tiếng Anh, kỹ năng mềm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực năng khiếu thể dục thể thao, văn hoá và chương trình giáo dục STEM.
Chương trình tiên tiến được cam kết chuẩn đầu ra là 6.0 IELTS đồng thời học chương trình A-Level để thuận lợi trong du học hoặc xét tuyển vào các trường ĐH uy tín của cả nước.
Giáo viên trường tiên tiến sẽ là hạt nhân chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng dạy học đến các trường trong địa phương. |
Thầy Phan Xuân Phàn cho biết thêm, ngoài chương trình tiên tiến, năm học tới, hệ thống TH School cũng đặt 4 lớp 10 đầu tiên của Nghệ An tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Như vậy, phía nhà trường cũng được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là trong bồi dưỡng giáo viên. Bởi giáo viên sẽ được tham gia thỉnh giảng, trao đổi chuyên môn, tiếp cận với phương pháp, các mô hình dạy học tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của giáo viên nhà trường nói chung để đáp ứng dạy học chương trình GDPT 2018. Bởi thực hiện bất cứ mô hình nào, thì chương trình GDPT 2018 cũng là nền tảng cơ bản bắt buộc, với mục tiêu cuối cùng là phát huy năng lực người học.
Đối với cấp tiểu học, THCS, mô hình tiên tiến được xây dựng toàn trường, chứ không thí điểm một số lớp như THPT. Theo đó, từ năm 2022-2023, các trường được chọn sẽ bắt đầu tuyển sinh cho toàn khối đầu cấp, cụ thể là lớp 1 và lớp 6.
Đề án mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế của Nghệ An xây dựng gồm 9 tiêu chí: sứ mệnh tầm nhìn, nội dung chương trình giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, đội ngũ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, hệ thống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số trong quá trình dạy học, chuẩn đầu ra...
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT, 9 tiêu chí của mô hình trường tiên tiến tại Nghệ An được xây dựng đáp ứng chương trình GDPT 2018 và hội nhập quốc tế, nên hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu người học và mục tiêu của giáo dục địa phương. Với vai trò của ngành, Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các nhà trường trong quá trình triển khai, về xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên…
Khi thành công, trường tiên tiến sẽ là đầu tàu để thúc đẩy giáo dục chung trên địa bàn cùng phát triển. Đó là giáo viên của trường tiên tiến tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại sẽ được nâng cao năng lực, phương pháp dạy học. Đội ngũ này khi luân chuyển về các trường đại trà sẽ là hạt nhân chia sẻ, trao đổi sinh hoạt chuyên môn đến giáo viên khác. Như vậy, các trường học khác cũng sẽ được thụ hưởng thành quả của mô hình tiên tiến.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện cơ cấu giáo viên trên toàn tỉnh chưa hợp lý. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn nghệ thuật, Tiếng Anh, Tin học là thực trạng khó khăn của tỉnh khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Để đáp ứng chương trình GDPT 2018, những năm qua, ngành đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT vào trong dạy học, thực hiện chuyển đổi số.
Hiện có nhiều giáo viên Tin học của Nghệ An đạt chuẩn quốc tế. Còn với môn Ngoại ngữ, tỉnh triển khai đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã tiến hành khảo sát năng lực giáo viên Tiếng Anh toàn tỉnh, cũng như tổ chức nhiều đợt tập huấn, nâng cao năng lực sư phạm và Tiếng Anh cho giáo viên. Giai đoạn tới, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu nâng chuẩn giáo viên. Đồng thời tiếp tục đào tạo đại học văn bằng 2 cho giáo viên để dạy các môn thiếu có chuyên môn gần, phù hợp năng lực giáo viên, đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế.