Giáo dục

Giải pháp nào ngăn chặn dạy thêm nở rộ ngoài nhà trường?

23/02/2025 10:09

Những quy định mới về dạy thêm, học thêm trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) đã giải quyết được một số vướng mắc hiện nay.

Tuy nhiên, khi không còn học thêm có thu tiền trong nhà trường, hoạt động này ngoài nhà trường có thể sẽ nở rộ, do đó cần có giải pháp để ngăn chặn.

NGƯT Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Góp phần hạn chế tiêu cực

Để hướng đến mục đích xây dựng nền giáo dục ‘dạy thật, học thật, thi thật’, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ cải cách chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, chứ không đơn giản là các biện pháp quản lý mang tính chất sự vụ như hiện nay. - TS Nguyễn Thị Thu Huyền

Năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, với Thông tư 29 lần này, các quy định trở nên thiết thực và cụ thể hơn. Tôi cho rằng thông tư mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên giảng dạy ngoài giờ đúng quy định, đồng thời vẫn có những ràng buộc cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực có thể phát sinh từ hoạt động dạy thêm.

Nhiều năm qua, dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề nóng trong giáo dục. Trên thực tế, nhu cầu này là có thật từ cả phía giáo viên, học sinh và phụ huynh, nên không thể cấm hoàn toàn. Vấn đề cốt lõi là phải quản lý và tổ chức như thế nào để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ việc dạy thêm, học thêm.

Để Thông tư 29 được thực thi nghiêm túc, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và đảm bảo có sự giám sát từ quần chúng nhân dân, phụ huynh đối với các hoạt động liên quan đến dạy thêm. Đặc biệt, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với giáo viên vi phạm các quy định.

no-ro-ngoai-nha-truong-2.jpg
NGƯT Nguyễn Văn Ngai.

Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của giáo viên. Thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà phải là những tấm gương về đạo đức và sự tuân thủ quy định của ngành Giáo dục, pháp luật để học sinh noi theo. Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa trong trường.

Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi và quản lý ngành GD-ĐT, tôi nhận thấy còn tình trạng giáo viên sử dụng chiêu trò để lôi kéo học sinh học thêm. Đây là hành vi khó chấp nhận. Do đó, để ngăn chặn tiêu cực có thể phát sinh, giải pháp tốt nhất là không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình.

TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - cố vấn chương trình mầm non và phổ thông các trường ngoài công lập: Thúc đẩy đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường

no-ro-ngoai-nha-truong-3.jpg
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền.

Hiện nay, do một số trường chưa đủ điều kiện để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhiều phụ huynh phải tìm đến các dịch vụ giáo dục bên ngoài để đảm bảo con em được học tập đầy đủ. Đồng thời, nhiều giáo viên, đặc biệt ở bậc trung học, khi không có cơ hội dạy thêm trong trường, có thể sẽ tự tổ chức lớp học tại nhà. Thực tế cho thấy, để đối phó với các quy định hiện hành và hợp thức hóa việc dạy thêm, nhiều giáo viên đã chia sẻ “kinh nghiệm” trên các diễn đàn.

Từ việc trao đổi danh sách học sinh giữa các giáo viên để tránh dạy chính học sinh của mình (Thông tư 29 quy định giáo viên không được dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy - PV), hoặc thay việc thu tiền học thêm bằng giấy thỏa thuận thu phí dưới danh nghĩa trông giữ xe, cùng với các “dịch vụ” cộng thêm như cung cấp tài liệu photo, sách vở.... Trong khi đó, các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát những hành vi này do nguồn lực hạn chế.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT mới ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, giúp học sinh đủ kiến thức và kỹ năng ngay trong chương trình chính khóa mà không cần học thêm. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam chưa thể so sánh với các quốc gia phát triển, nơi chất lượng giáo dục đồng đều hơn. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu học thêm của phụ huynh để đảm bảo con em đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục là hoàn toàn chính đáng.

Có lẽ, cần có hướng dẫn cụ thể hơn thay vì áp dụng một quy định cào bằng cho tất cả khu vực và trường học. Cần phân loại rõ ràng, xác định trường nào được và không được phép tổ chức dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường. Đồng thời, nếu giáo viên có nhu cầu dạy thêm nên thực hiện dưới dạng hoạt động cung cấp dịch vụ ngoài nhà trường với sự quản lý chặt chẽ, minh bạch. Chỉ khi đó, mới có thể giữ được sự liêm chính của hoạt động giáo dục trong trường học.

Thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12, TPHCM): Thực hiện đúng sẽ giúp ích cho học sinh

no-ro-ngoai-nha-truong-4.jpg
Thầy Đinh Văn Trịnh.

Hiện tình trạng dạy học thêm ngoài nhà trường tại các thành phố lớn như TPHCM còn khá phổ biến, mặc dù có các quy định hạn chế và kiểm soát. Khi không còn thu tiền trong trường học, nhiều giáo viên vẫn tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tăng thu nhập cá nhân. Điều này cũng phản ánh thực tế giáo dục trong trường học hiện tại chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của nhiều học sinh, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh gay gắt.

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 với các quy định rõ ràng về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Để đảm bảo hoạt động này diễn ra đúng quy định và tránh những tiêu cực phát sinh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trước tiên, các cơ quan chức năng, đặc biệt là sở GD&ĐT, cần đẩy mạnh kiểm tra các lớp học thêm ngoài nhà trường, không chỉ dừng lại ở việc cấp phép mà phải đảm bảo các lớp học đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy và điều kiện học tập.

Bên cạnh đó, nhà trường cần nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo học sinh tiếp thu đủ kiến thức ngay trong lớp học chính khóa, từ đó giảm nhu cầu phải tìm đến các lớp học thêm bên ngoài. Đồng thời, những giáo viên giỏi, có năng lực thực sự có thể tổ chức các lớp học thêm nhưng cần tuân thủ nghiêm túc quy định về thời gian, địa điểm và chất lượng giảng dạy. Điều này giúp tránh tình trạng dạy thêm mang tính chất “chạy theo thành tích” hay “dạy thêm để kiếm tiền”.

Cũng cần nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về học thêm, giúp họ hiểu đây không phải là yếu tố quyết định duy nhất dẫn đến thành công học tập, học sinh vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để phát triển toàn diện. Ngoài ra, có thể khuyến khích các hình thức học trực tuyến hoặc lớp học nhóm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào học thêm trực tiếp tại các trung tâm, từ đó giảm áp lực và chi phí cho học sinh.

Trong một số trường hợp, giáo viên giỏi vẫn có thể tổ chức dạy thêm mà không vi phạm pháp luật nếu họ thực hiện đúng các quy định và đảm bảo quyền lợi của học sinh. Cụ thể theo Thông tư 29, giáo viên hoàn toàn có thể dạy thêm ngoài nhà trường nếu đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy phép dạy thêm do cơ quan quản lý cấp; đảm bảo chất lượng dạy học, không gây ảnh hưởng đến công việc chính tại trường; tuân thủ các quy định về cơ sở vật chất, công khai thông tin,...

Trên thực tế, dạy thêm không xấu, nếu được thực hiện đúng quy định, có chất lượng, sẽ giúp ích cho học sinh. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, gây áp lực cho học sinh và ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo.

Thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM): Giáo viên giỏi khó vi phạm quy định

no-ro-ngoai-nha-truong-5.jpg
Thầy Võ Kim Bảo.

Sau khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, hoạt động dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường có xu hướng thu hẹp. Nhiều giáo viên đã chủ động dừng việc dạy thêm, giải tán các lớp có học sinh chính khóa để tuân thủ quy định. Việc không còn dạy thêm thu tiền trong nhà trường không đáng lo ngại, bởi đây là trách nhiệm của nhà trường.

Các trường học có nghĩa vụ tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và thực hiện các chương trình hỗ trợ học tập cần thiết. Bộ GD&ĐT ban hành quy định này nhằm khẳng định rõ ràng rằng, những nội dung giáo dục thuộc trách nhiệm của nhà trường thì không thể thu phí dưới danh nghĩa dạy thêm.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT chặt chẽ, hợp lý, cho thấy sự tính toán, cân nhắc kỹ của các nhà quản lý giáo dục. Vì vậy, khi thông tư có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm tiêu cực chắc chắn sẽ được ngăn chặn phần lớn. Đồng thời, làm cho giáo viên có trách nhiệm hơn với chất lượng giảng dạy của mình.

Để dạy thêm ngoài nhà trường đúng quy định, giáo viên cần đăng ký dạy thêm tại các trung tâm giáo dục ngoài giờ được cấp phép. Nội dung giáo dục phải đảm bảo yêu cầu theo quy định. Không được có hành vi nhằm “lách luật” để chèn ép học sinh học thêm. Thực chất, giáo viên giỏi càng khó vi phạm quy định. Bởi, một giáo viên giỏi có thể dạy tốt cho học sinh chính khóa của mình, các em không nhất thiết phải đi học thêm. Ngoài ra, giáo viên giỏi sẽ được nhiều người biết đến để “tầm sư học đạo”.

Tóm lại, với quy định mới này, giáo viên giỏi, có chuyên môn tốt thì không sợ không có học sinh muốn theo học. Và người vui mừng nhất chính là phụ huynh, bởi con của mình không phải học thêm giáo viên chính khóa (nếu giáo viên chính khóa có thái độ chèn ép học sinh đi học thêm) mà lại có cơ hội được bổ sung kiến thức với giáo viên khác, có chuyên môn giỏi.

Cán bộ quản lý, giáo viên tâm tư về quy định mới dạy thêm, học thêm là khó tránh khỏi. Tuy nhiên cần hiểu để thực hiện đúng quy định, phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức phải tuyên truyền, lồng ghép các chỉ đạo về việc dạy thêm, học thêm theo đúng tinh thần của Thông tư 29, đảm bảo không xảy ra tình trạng dạy thêm trái quy định. - Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nao-ngan-chan-day-them-no-ro-ngoai-nha-truong-post720446.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nao-ngan-chan-day-them-no-ro-ngoai-nha-truong-post720446.html
Bài liên quan
Quy định mới về kiểm định chương trình đào tạo đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04 quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học thay thế cho các thông tư liên quan về kiểm định chương trình dào tạo đại học hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào ngăn chặn dạy thêm nở rộ ngoài nhà trường?