“Đang là giai đoạn nước rút nên em rất lo lắng. Gần đây mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 4 – 5 tiếng, thời gian còn lại tập trung việc học. Có hôm người bồn chồn, học gì cũng không vào nhưng không học thì lại không yên tâm”, Đức Minh (học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP.Hồ Chí Minh) tâm sự.
Theo Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), học sinh cuối cấp đang đứng trước những kỳ thi quan trọng nên tâm lý căng thẳng, lo lắng là điều dễ hiểu. Giai đoạn này, các em phải đối mặt với áp lực điểm số, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, áp lực so sánh mình với bạn bè...
Nhiều em trước kỳ thi bị đau bụng, đau đầu, ngứa phát ban nhưng không phải do bệnh lý mà lo lắng do áp lực tâm lý. Thậm chí, những em căng thẳng quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, tự gây hại cho bản thân bằng cách rạch tay, rạch chân, tự tử…
Vì thế, trong mùa thi, các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến con để giúp con giải tỏa áp lực. Hãy trao cho con sự tin tưởng, nói với con rằng cha mẹ tin con sẽ làm được nhưng nếu con thi trượt hay chỉ đỗ vào trường ít tiếng tăm thì cũng không sao. Có rất nhiều con đường để thành công chứ không phải chỉ có con đường học tập, điều quan trọng là con đã nỗ lực, cố gắng hết mình.
Cha mẹ không nên so sánh kết quả học tập của con mình với “con nhà người ta” vì sẽ khiến con tổn thương, nghĩ mình không đủ giỏi, đủ tốt trong mắt cha mẹ, dẫn đến tâm lý tự ti hoặc có những hành vi ngỗ ngược để phản kháng. Thay vào đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ, cảm xúc của con, những khó khăn con gặp phải trong học tập… rồi đưa ra lời khuyên hoặc giúp con tìm cách tháo gỡ nhằm đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.
Cô Lanh khuyên cha mẹ nên cho con có thời gian thư giãn tinh thần để việc học đạt hiệu quả cao. |
Bên cạnh đó, phụ huynh nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, giờ giấc ngủ nghỉ của con để con có sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi. Đồng thời, giúp con phân bổ thời gian học tập hợp lý, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, thư giãn.
“Trong quá trình tham vấn tâm lý học đường, tôi nhận thấy không ít cha mẹ càng gần ngày thi càng ép con tập trung học tập. Con xin đi chơi, cha mẹ liền bảo tầm này phải dồn sức học hành chứ chơi bời gì nữa. Thực tế, học mà không có sự thả lỏng thì sẽ khó hiệu quả. Vì thế, bên cạnh thời gian ôn thi, cha mẹ nên cho con có những khoảng thời gian thả lỏng cơ thể, thư giãn tinh thần bằng các hoạt động thể chất như đi bộ, đi bơi hoặc gặp gỡ bạn bè”, cô Lanh nói.