Giải tỏa áp lực thi cử: Dũng cảm vượt qua chính mình

Hiếu Nguyễn (ghi) | 02/06/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hãy đặt mục tiêu sớm và phù hợp với năng lực bản thân; có phương pháp học tập khoa học, quan tâm sức khỏe thể chất và tinh thần… là lời khuyên của chuyên gia dành cho thí sinh để vượt qua những áp lực do thi cử.

Ảnh minh họa InternetẢnh minh họa Internet

TS Trần Thị Loan - Giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2: Không phải sống chỉ để học tập

TS Trần Thị Loan.

Mỗi một năm học kết thúc, lại xen lẫn những niềm vui và nỗi lo. Niềm vui được nghỉ hè, vui chơi; lo lắng với những học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Từ trước đến nay, vấn đề điểm số, chọn trường, chọn lớp luôn là câu chuyện muôn thuở đối với lứa tuổi HS. Có nhiều em tâm sự với tôi về sự căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực điểm số; thậm chí có những trường hợp nghĩ đến giải pháp tiêu cực nhất vì quá áp lực.

Áp lực từ phía bạn bè, thầy cô và gia đình khiến không ít HS căng thẳng, tự ti, lo lắng, không còn hứng thú trong việc học; từ đó một số em lao vào game, bỏ học; có em thì cố gắng học một cách quá sức để làm vừa lòng cha mẹ. “Cháu không dám đi ngủ sớm và bị điểm kém sợ bố mẹ thất vọng. Nên sau mỗi kỳ thi, cháu gần như bị kiệt sức” - một học sinh đã tâm sự với tôi như vậy.

Mặc dù điểm số cũng là một trong những cách kích thích để tạo ra nỗ lực, phấn đấu cho HS trong quá trình học tập nhằm đạt mục tiêu và phát triển về trí tuệ. Tuy nhiên, nếu không kích thích, động viên đúng cách sẽ tạo ra nhiều hệ lụy về tâm sinh lý.

Về giải pháp, tôi cho rằng khi chọn trường cho con cha mẹ cần đặt câu hỏi “Điều gì khiến con hạnh phúc, bình an?”, không phải câu hỏi “Điều gì khiến con giỏi hơn và thành công hơn?”. Cùng với đó, cha mẹ cũng cần thay đổi quan điểm “điểm số quyết định năng lực”. Cần hiểu rằng, điểm số không phải là tất cả, mà chỉ là dấu hiệu cho thấy HS cần có phương pháp học tập khác đi ở giai đoạn tiếp theo.

Điểm số cũng không đại diện cho thành công và tương lai của trẻ. Học tập là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải sống là chỉ có học tập. Cha mẹ cần đồng hành cùng con trong học tập, lắng nghe tâm sự về những điều con thích và những khó khăn đang gặp, để định hướng và cùng tìm giải pháp. Tránh áp đặt, so sánh hay chê bai. Chính sự đồng tình, ủng hộ từ cha mẹ sẽ làm cho con cái vững tin hơn.

Với học sinh, các em cần đặt mục tiêu và lập kế hoạch cụ thể; trong đó có mục tiêu rõ ràng về điểm số mình đạt được và ngôi trường mình muốn thi vào ngay từ đầu năm học; từ đó xây dựng lộ trình cho học tập, rèn luyện. Điều này khiến các em thấy được sự tiến bộ của mình hàng ngày, làm động lực cho giai đoạn tiếp theo và không gặp tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

TS Nguyễn Trâm Anh, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng: Mục tiêu học tập phù hợp với năng lực và nhu cầu bản thân

TS Nguyễn Trâm Anh.

Nguyên nhân gây nên áp lực thi cử đến từ hai phương diện. Đầu tiên là từ ngoại cảnh (yêu cầu của nhà trường, gia đình và mô hình thành công của xã hội...). Tiếp theo là đặc điểm tâm lý cá nhân học sinh (đặc điểm nhân cách, cảm xúc, quan điểm về sự thành công...).

Do đó, biện pháp trước tiên để vượt qua áp lực thi cử là giúp học sinh xác định rõ mục tiêu học tập của mình phù hợp với năng lực học tập và nhu cầu của bản thân; thay đổi nhận thức của học sinh về quan điểm thành công; tránh suy nghĩ so sánh với thành công của người khác và phải đạt được cái mà mình không đủ năng lực thực hiện.

Tiếp đến, các em cần có kế hoạch cụ thể để có khoảng thời gian học tập và nghỉ ngơi cân đối. Phân phối việc học tập xen kẽ giữa môn yêu thích với môn khó (ít yêu thích); giữa việc học tập và giải trí theo công thức 2:1, hoặc tuỳ theo sức lực của mình để có sự phân phối phù hợp. Tránh học liên tục trong nhiều giờ mà không có nghỉ ngơi; hoặc nghỉ ngơi nhiều giờ nhưng dành áp lực cho việc học trong ít giờ, đặc biệt về đêm - điều đó càng gây nên sự căng thẳng.

Một điều vô cùng quan trọng là các em phải bảo đảm ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ; tập thể dục để máu huyết lưu thông, đặc biệt giúp cân bằng cảm xúc, thư giãn tối đa sau hoạt động trí óc căng thẳng. Các em cũng cần tránh phân tán tư tưởng bởi các dư luận và thông tin tiêu cực; tìm kiếm các nguồn thông tin tích cực để giữ được tinh thần khoẻ mạnh, đầy năng lượng.

Khi có những áp lực lớn mà bản thân không tự giải quyết được, học sinh cần tìm đến nơi có thể bày tỏ, chia sẻ vấn đề của mình để được tư vấn và tháo gỡ các khó khăn. Ví dụ như phòng tham vấn học đường của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ… Hoặc các em có thể nhờ đến chuyên gia tư vấn tâm lý tại các trung tâm can thiệp.

Nếu bị stress, học sinh cần nhận diện đúng các dấu hiệu căng thẳng. Đơn cử, dấu hiệu về thể chất: Đau đầu; chóng mặt; vã mồ hôi tay, chân; đau tức ngực, khó thở; tim đập nhanh; đau nhức cơ thể mà không rõ nguyên nhân (thăm khám tại các cơ sở y tế không có biểu hiện bệnh lý thực thể). Dấu hiệu về mặt tinh thần, như: Trí nhớ giảm sút; khó tập trung học tập; buồn bã, xuống tinh thần, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, thường xuyên thấy khó chịu; ăn uống thất thường, mất ngủ… Khi học sinh nhận thấy mình có các dấu hiệu trên, cần chia sẻ ngay với người lớn để được hỗ trợ kịp thời; đồng thời điều chỉnh lịch học tập phù hợp. Có thể cho phép bản thân tạm nghỉ ngơi một thời gian đủ để lấy lại tinh thần khoẻ mạnh để tiếp tục thực hiện mục tiêu học tập của bản thân.

Học sinh đang bị stress rất cần sự quan tâm của nhà trường và gia đình để nhận diện vấn đề, từ đó có sự trợ giúp kịp thời. Đó có thể là: Giảm thời lượng, yêu cầu đối với học sinh; có kế hoạch giúp các em được thư giãn tinh thần phù hợp với mong muốn (tạo ra các giờ học thư giãn; buổi tham quan dã ngoại với gia đình; hoạt động vui chơi, kết nối với bạn bè...); Tư vấn cho học sinh các biện pháp tự giảm căng thẳng: Hít thở sâu; thả lỏng cơ; tắm nước ấm; nghe bản nhạc yêu thích để thả lỏng tinh thần; trò chuyện với ai đó tin cậy để được chia sẻ …

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải tỏa áp lực thi cử: Dũng cảm vượt qua chính mình