Tuyển sinh năm 2025, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển.
Cách làm này nhằm bảo vệ sự công bằng, minh bạch và chất lượng của hệ thống tuyển sinh, hạn chế những bất cập và nguy cơ tiêu cực khi các trường có thể tự “nâng lên đặt xuống” chỉ tiêu cho từng phương thức.
Đến thời điểm này, có ít trường đại học công bố công thức quy đổi điểm như Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), số đông vẫn trong dự tính, hoặc chờ Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết hơn. Tình hình này khiến nhiều thí sinh khá băn khoăn, vì không biết cách thực hiện quy đổi thế nào để biết mình có khả năng trúng tuyển, hay liệu công thức quy đổi có gây bất lợi, thiếu công bằng không.
Tham khảo điểm sàn, điểm chuẩn các năm trước là căn cứ quan trọng để thí sinh xác định năng lực của mình, từ đó mạnh dạn sắp xếp nguyện vọng phù hợp khi chọn ngành, trường. Năm nay, thực hiện quy đổi điểm về một thang chung, việc tham khảo điểm chuẩn các năm trước sẽ không còn nhiều giá trị, do đó thí sinh có chút lo lắng là không thể tránh khỏi.
“Sau khi nhận kết quả đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh trước đây có thể so sánh kết quả của mình với điểm chuẩn năm trước để dự đoán khoảng “an toàn” và quyết định dốc sức ôn luyện đợt sau hay chỉ tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng năm nay, vì không có cơ sở tham khảo, chúng em phải chuẩn bị đều các kỳ thi nên căng thẳng hơn”, một thí sinh chia sẻ.
Để các trường thuận lợi trong quy đổi điểm, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu gây hỗn loạn trong hệ thống và thiếu công bằng với thí sinh khi xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung chung về việc quy đổi điểm trúng tuyển.
Tuy vậy, Bộ chỉ xây dựng khung quy đổi tương đương cho các phương thức, tổ hợp xét tuyển thông dụng và phương pháp sử dụng khung quy đổi đó để cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi tương đương cho các ngành đào tạo cụ thể. Nhiệm vụ chính vẫn thuộc về các trường, theo đặc thù riêng, để sớm có công thức quy đổi chi tiết, phù hợp cho thí sinh.
Biết sớm công thức quy đổi, thí sinh có thể yên tâm hơn trong việc chọn ra phương thức chính để tập trung nhiều nguồn lực và công sức hơn, tuy vậy, thí sinh cũng không nên quá sốt ruột.
Chắc chắn các trường sẽ công bố công thức quy đổi điểm trước khi tiến hành quy trình xét tuyển đợt 1 và Bộ GD&ĐT sẽ có sự giám sát, đảm bảo công thức đưa ra chỉ có lợi cho thí sinh, không có chuyện lạm dụng công thức tính điểm để tăng hay giảm chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống trực tuyến, thí sinh chỉ cần lựa chọn trường và ngành theo nguyện vọng, hệ thống sẽ tự lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển có lợi nhất cho mỗi em.
Ngoài ra, cần thấy rằng không phải trường đại học/ngành/chương trình nào cũng buộc phải quy đổi điểm, bởi theo quy định, việc quy đổi điểm của các kỳ thi riêng không áp dụng với những ngành chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển, như xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét điểm thi đánh giá năng lực; chỉ những ngành, chương trình có nhiều phương thức xét tuyển mới phải quy đổi. Trong trường hợp này, thí sinh vẫn có thể tham khảo điểm sàn, điểm chuẩn năm trước.
Khi bỏ xét tuyển sớm, đưa tất cả phương thức tuyển sinh cùng xét một đợt sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, với thang điểm chung, một trong những mục tiêu của Bộ GD&ĐT nhắm đến là đảm bảo tất cả thí sinh phải học tập nghiêm túc theo chương trình đến phút cuối.
Vì thế, quan trọng nhất với học sinh giai đoạn này vẫn là tập trung tốt nhất cho công tác ôn tập và thi cử, không phải các vấn đề liên quan kỹ thuật xét tuyển. Muốn vậy, cùng với việc dạy học, các trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, có giải pháp giải toả áp lực tâm lý cho trò, để lứa thí sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 hiểu rõ những điểm mới của thi và tuyển sinh 2025, các nhiệm vụ cần ưu tiên, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp, tiến tới xét tuyển đại học thành công.