Giảm tải nhưng vẫn phân hóa

Gia Khánh | 02/04/2022, 14:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo nhằm định hướng ôn tập cho học sinh chuẩn bị tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Theo đó, đề thi tham khảo 9 môn bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, nhóm câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao chiếm 10 - 15% tổng nội dung đề thi.

Việc Bộ công bố đề thi tham khảo trước hơn 3 tháng dự kiến thi tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian để nhà trường triển khai công tác dạy học, giúp thí sinh nắm vững cấu trúc đề để định hướng ôn luyện. Trước đó, trong hướng dẫn năm học, văn bản chỉ đạo cũng như truyền thông, Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh rõ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dự kiến giữ ổn định như năm 2021. Thí sinh có thể tham khảo đề thi năm 2021 trong quá trình ôn tập.

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, thời gian học sinh phải tạm ngừng đến trường khá dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ dạy học. Đặc biệt lứa học sinh lớp 12 đã trải qua không chỉ 1 năm học này mà tới 3 năm học bị gián đoạn do Covid-19. Tinh thần chia sẻ với khó khăn của giáo viên và học sinh của Bộ GD&ĐT thể hiện khá rõ trong cấu trúc đề thi, khi nội dung cũng ra vào phần chương trình đã được Bộ điều chỉnh.

Nhận định của các giáo viên THPT cho thấy nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2022 giữ được tính ổn định, gần như không có sự thay đổi so với năm 2021, vừa sức học sinh, đúng tinh thần giảm tải, phù hợp với điều kiện phải vừa dạy học vừa phòng dịch. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, điểm 6,7 không phải là quá khó.

Mặc dù đáp ứng mục đích chính là xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy học ở bậc THPT nhưng đề thi tham khảo vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mang tính thử thách với học sinh săn điểm cao. Với tỷ trọng dành 10 - 15% nội dung cho nhóm câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao, các chuyên gia tuyển sinh khối đại học cho biết mức phân hóa khá tốt, hứa hẹn thuận lợi cho các trường trong xét tuyển.

Điều này cũng đáp ứng được nguyện vọng của nhiều trường đại học mong muốn đề thi tốt nghiệp có tính phân hóa cao hơn, để phục vụ tuyển sinh. Bởi theo các trường đại học, dù tự chủ tuyển sinh, có thể đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, hoặc tổ chức thi riêng, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức thi riêng gặp khó khăn cho cả nhà trường và thí sinh, thì kết quả thi tốt nghiệp vẫn được nhiều trường trông cậy.

Đến nay học sinh lớp 12 cả nước đã và đang thi giữa kỳ, chuẩn bị kết thúc học kỳ II và ôn thi tốt nghiệp. Ngay sau khi Bộ công bố đề tham khảo, các tổ bộ môn thuộc 9 môn thi tốt nghiệp THPT bắt đầu tăng tốc kế hoạch ôn tập. Theo các hiệu trưởng và giáo viên, nếu hướng đến mục tiêu chính là tốt nghiệp thì kỳ thi sắp tới cũng không có gì đáng ngại, vì từ Bộ đến trường đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Bản thân các em dù học trực tuyến nhiều, có khó khăn, nhưng qua 3 năm, phương thức này cũng không còn được xem là học tạm, nên cũng đã chủ động nhiều kênh ôn tập, để nắm được kiến thức cốt lõi.

Vấn đề khiến không ít giáo viên và học sinh đau đáu là dù định hướng đề của Bộ khá thuận lợi cho xét tuyển đại học nhưng năm nay có nhiều trường giảm mạnh chỉ tiêu theo phương thức này so với năm trước. Thực tế cho thấy dù giảm tải nhưng đề thi tốt nghiệp THPT vẫn bảo đảm sự phân hóa, kết quả kỳ thi vẫn là thước đo uy tín về chất lượng và nhiều thí sinh vẫn ôn luyện, kỳ vọng vào đại học bằng kênh này. Bởi vậy, các trường đại học dù được tự chủ, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nên giảm có lộ trình phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp, tránh giảm sốc, gây xáo trộn cho thí sinh trong quá trình học tập, ôn thi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm tải nhưng vẫn phân hóa