Thời sự

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của cổ đông tổ chức giúp hệ thống an toàn

Nguyễn Long {Ngày xuất bản}

Nhờ sở hữu chéo, Trương Mỹ Lan đã rút hơn một triệu tỷ đồng khỏi ngân hàng SCB, do đó Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được công chúng đặc biệt quan tâm.

Sáng ngày 15/1, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo đó, một trong bốn nhóm nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14.

Điều 54 của Dự thảo đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng so với quy định hiện hành. Trong đó có quy định, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân là 5%; của tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) là 10%; và của nhóm cổ đông có liên quan là 15%.

Ngoài ra, Dự thảo luật cũng quy định, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua.

Sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng.

Chúng ta còn nhớ, đại án Vạn Thịnh Phát. Thông qua sở hữu chéo, Trương Mỹ Lan đã rút thành công hơn một triệu tỷ đồng khỏi ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB. Khiến Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt với SCB.

ngan-hang-scb.jpg
Nhờ sở hữu chéo, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã rút hơn một triệu tỷ đồng khỏi SCB

Không chỉ có đại án Vạn Thịnh Phát với ngân hàng SCB. Trước đó có rất nhiều vụ việc liên quan đến sở hữu chéo của tổ chức đối với cổ phiếu ngân hàng.

Đáng lưu ý là việc sở hữu cổ phiếu ngân hàng của các tập đoàn kinh tế tư nhân, khiến cho hệ thống có thời điểm đứng trước nguy cơ rủi ro.

Đơn cử như vụ: Bầu Kiên với ngân hàng ACB; vụ Trầm Bê với ngân hàng Phương Nam; vụ Phạm Công Danh với ngân hàng Xây dựng; vụ Hà Văn Thắm với Ngân hàng Đại Dương – OceanBank….

Có thể thấy, những đại án trên đều có dấu ấn của tập đoàn kinh tế tư nhân, và sở hữu chéo. Thông qua sở hữu chéo, những tập đoàn này đã lợi dụng ngân hàng làm bàn đạp, để thực hiện việc huy động vốn, chuyển vốn lòng vòng và cấp vốn phục vụ hoạt động của chính doanh nghiệp mình.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Từng nêu ý kiền vào tháng 11/2023, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, cho rằng tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi.

Tuy nhiên, ông An quan ngại việc các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn. Xác định được ông chủ thực mới ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng.

Từ kết quả điều tra đại án Vạn Thịnh Phát có thể thấy, một thực trạng là sở hữu chéo tập đoàn kinh tế tư nhân tại ngân hàng hiện nay, phần lớn được thực hiện thông qua các doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp con hoặc người liên quan của tập đoàn.

Tuy nhiên, trên các tài liệu công bố chính thức của ngân hàng lại không hề thấy xuất hiện tên của tập đoàn, hoặc lãnh đạo tập đoàn sở hữu cổ phần chi phối. Nếu có xuất hiện, thì tỷ lệ sở hữu cũng rất nhỏ, để đánh lừa cảm nhận từ nhà đầu tư…

Chủ yếu các cổ phần sở hữu chéo này, được tập đoàn "mẹ" chuyển cho các doanh nghiệp con/doanh nghiệp liên kết nắm giữ, để thông qua đó nắm quyền chi phối quyết định của ngân hàng.

Về quan hệ kinh tế, mặc dù là các tổ chức khác nhau, nhưng thông qua sở hữu chéo khiến mối quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp và ngân hàng lại gắn kết không khác gì “cặp vợ chồng”, bên tung bên hứng, bên ra dự án, bên cấp tín dụng….

Từ phân tích trên, có thể thấy tập đoàn “mẹ” thường sở hữu gián tiếp cổ phần ngân hàng, thông qua doanh nghiệp trực thuộc/hoặc liên quan đến hệ sinh thái, hoặc người liên quan/người được ủy quyền...

Việc sở hữu chéo cổ phần ngân hàng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ trước thềm đại hội cổ đông, hoặc họp Hội đồng quản trị, hoặc việc duyệt cấp vốn tín dụng… cá nhân sẽ chỉ đạo nhân viên nội bộ gom phiếu ủy quyền cho cá nhân để phục vụ lợi ích của nhóm lợi ích, khiến Nghị quyết hoặc đại Hội cổ đông và việc cấp vốn sẽ giảm đi sự khách quan và không loại trừ tiêu cực khi đem lại lợi ích cho một nhóm.

Do đó, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của tổ chức là 10% được cho góp phần phù hợp với thực trạng hiện nay.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của cổ đông tổ chức giúp hệ thống an toàn