Gian nan dạy chữ nơi 'ốc đảo'

31/12/2023, 13:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cát và Trỉa là 2 điểm trường xa xôi nhất của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Bằng trách nhiệm và tình yêu thương, thầy, cô giáo vẫn ngày đêm bám bản cùng học sinh Vân Kiều nơi đây.

Thử sức bền người gieo hạt

Nhiều năm dạy học ở 2 điểm trường Cát và Trỉa, trong ký ức của những thầy, cô giáo dạy học nơi đây đọng lại biết bao kỷ niệm vui, buồn, thậm chí có cả sự ám ảnh. Bởi đó là 2 khu vực xa xôi, khó khăn nhất của xã Hướng Sơn, do địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn và chỉ mới có điện chiếu sáng vào năm 2016 và sóng điện thoại cách đây 2 năm.

Từ Km 27 Quốc lộ 9 (địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ), giáo viên phải vượt qua khoảng 80km đường đèo núi hiểm trở để đến được thôn Cát, Trỉa. Vài năm trước, một đơn vị đã san ủi mặt bằng, đổ đá dăm tạo thành một con đường nhỏ dài khoảng vài cây số.

Đoạn còn lại là đường mòn ven núi xen đá tảng, đá hộc lởm chởm, gồ ghề. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn, nhiều vị trí dọc tuyến đường này bị sạt lở; trong đó có 3 đoạn bị đứt gãy nghiêm trọng khiến hành trình đưa chữ lên non thêm phần hiểm nguy.

Đặc biệt, thôn Cát và Trỉa thường xuyên bị cô lập, chia cắt giao thông do có nhiều đồi núi, sông suối. Vào mùa mưa lũ, con đường đến trường của các thầy cô càng trở nên khó khăn, nguy hiểm. Chính vì vậy, việc bám bản dạy học ở 2 điểm trường này cũng lắm nỗi gian nan, gập ghềnh. Mỗi lần đến trường của thầy cô được xem như những cuộc thử thách sức bền, ý chí trong hành trình gắn bó với nghề. Học sinh chính là động lực để các thầy cô vượt qua mọi gian nan, vất vả.

Có lần, thầy Hồ Văn Thành, Trưởng điểm trường thôn Cát bị sốt rét, nằm li bì mấy ngày liền. Thấy vậy, phụ huynh phải đưa thầy băng suốt vượt rừng ra đường lớn bằng cáng võng. Sau đó mới đón xe khách đưa thầy đến bệnh viện chữa trị.

Thầy Thành cõng cô Oanh lội qua suối đến trường. Ảnh: NVCC
Thầy Thành cõng cô Oanh lội qua suối đến trường. Ảnh: NVCC

Mùa mưa năm nay, hình ảnh cô giáo Trần Thị Kiều Oanh (35 tuổi, trú ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ), dạy lớp 1 và 2 ở điểm trường thôn Trỉa được một thầy giáo cõng qua con suối đang chảy xiết đã nhận được “mưa tim”, gây xúc động mạnh đến cộng đồng qua mạng xã hội.

“Hình ảnh lan truyền trên mạng được ghi lại vào sáng thứ 2, ngày 13/11. Sáng hôm đó, tôi và 3 đồng nghiệp quay trở lại trường dạy học. Trên đường đi có nhiều điểm bị chia cắt, buộc phải qua suối. Do mưa lớn, nước dâng lên, nhưng không còn cách nào khác nên các thầy cô được người dân hỗ trợ qua suối để đến trường. Bản thân là phụ nữ nên tôi được nam đồng nghiệp giúp đỡ cõng qua suối”, cô Oanh tâm sự.

Cô chia sẻ, gần 10 năm công tác ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, dường như cô cảm thấy khá quen với điều kiện nơi đây. Đặc biệt, về mùa mưa lũ, đường đến trường của các thầy, cô giáo gặp nhiều khó khăn. Có những đoạn nước chảy xiết, cả người và xe đều không thể đi qua được. Dạy học cách trường hàng chục km nên vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, cô thường dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, lên đường đến trường để bắt đầu một tuần làm việc mới.

Từ ngày gắn bó với học sinh ở đây, cô Oanh chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Dù khó khăn nhưng bản thân cô cũng như các thầy cô khác đều tận tâm gắn bó, bám bản để gieo chữ cho trẻ em nơi đây. Học sinh chính là động lực của cô và các đồng nghiệp. “Các em ở đây ngoan và thích đi học, có cái gì ngon cũng để dành cho thầy cô. Các bậc phụ huynh thì quan tâm, luôn sát cánh, đồng hành mọi lúc”, cô Oanh kể.

Thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn vượt khó đến với học trò. Ảnh: Trung Linh
Thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hướng Sơn vượt khó đến với học trò. Ảnh: Trung Linh

Thiếu phòng học, không có nhà vệ sinh

Thầy Hồ Xuân Sinh (sinh năm 1981, trú ở thôn Chấp Nam, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến vùng đất xa xôi hẻo lánh bậc nhất huyện Hướng Hóa này.

“Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, tôi tình nguyện lên vùng cao dạy học. Lúc bấy giờ, tôi dạy phổ cập giáo dục trung học tại điểm lẻ thôn Trỉa, Trường Phổ thông cơ sở Hướng Sơn (cũ). Người dân nơi đây ban ngày lên rẫy trồng lúa, trồng ngô nên lớp học chỉ có thể diễn ra vào buổi tối. Trong ánh đèn dầu lay lắt, tôi lên bục dạy chữ cho những người đã học hết bậc tiểu học. Mới đó mà đã gần 20 năm”, thầy Sinh kể.

Năm 2006, thầy Sinh được phân công dạy bậc tiểu học tại điểm trường thôn Trỉa. Từ năm 2019 đến nay, thầy là Trưởng điểm trường thôn Trỉa. Điểm trường có 3 phòng học (2 phòng lớn, 1 phòng nhỏ) với 2 giáo viên đứng lớp là thầy Sinh và cô Trần Thị Kiều Oanh. Vì được xây dựng đã lâu nên hiện nay tường bị xuống cấp, mái tôn bị bong. Chỉ cần trời mưa nhỏ là nước thấm dột chảy xuống nền lớp.

Điểm trường này có 24 học sinh, được chia thành 5 lớp. Do thiếu phòng, thiếu bàn ghế nên học sinh bắt buộc phải học ghép. Lớp ghép 1 và 2 có 13 học sinh, do cô Oanh phụ trách, còn thầy Sinh phụ trách lớp ghép 3, 4 và 5 với 11 học sinh. Phòng nhỏ còn lại để máy vi tính, dạy môn Tin học.

Trong lớp của thầy Sinh, bàn ghế được xoay về 3 hướng khác nhau. Mỗi hướng có một tấm bảng nhỏ. Thầy Sinh lần lượt đi vòng quanh đến mỗi tấm bảng để dạy cho từng nhóm lớp. Ở phòng học cạnh bên, 2 lớp của cô Oanh cũng diễn ra tương tự.

Cách dãy phòng học không xa là nhà công vụ dành cho giáo viên với 3 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 10m2, xung quanh thưng bằng ván gỗ ép. Chỗ ngủ thiếu, nhà vệ sinh cũng không có. Mỗi khi muốn giải quyết nhu cầu cá nhân, thầy trò đành phải... “thả nỗi niềm vào đất”.

Để khắc phục khó khăn, sau giờ dạy, cô Oanh vượt quãng đường gần 5km đến điểm trường Cát, ngủ lại với cô giáo Trần Thị Minh Hằng. Cô Hằng (sinh năm 1996, ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) là giáo viên trẻ nhất, nhưng cũng nhiều năm dạy học ở các điểm trường vùng khó Hướng Hóa.

Con đường thầy cô đến thôn Cát, Trỉa gặp nhiều hiểm nguy do mưa bão, sạt lở. Ảnh: Trung Linh
Con đường thầy cô đến thôn Cát, Trỉa gặp nhiều hiểm nguy do mưa bão, sạt lở. Ảnh: Trung Linh

Trữ thực phẩm cho cả tuần

Thầy Hồ Văn Thành đã có 18 năm dạy học. Hiện, thầy chủ nhiệm lớp 4 và lớp 5 với 17 học sinh.

Điểm trường thôn Cát có 5 giáo viên; trong đó chỉ có cô Hằng là nữ. Cơ sở hạ tầng của điểm trường thôn Cát khá hơn. Dãy phòng học gồm có 4 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 25 m2. Nhưng có 2 phòng cũng bị thấm dột mỗi khi trời mưa. Tại đây, chỉ có hai lớp 4, 5 là học ghép. Nhà công vụ dành cho giáo viên có 3 phòng, nền bê tông, xung quanh được thưng bằng ván gỗ.

Hầu hết, giáo viên tại 2 điểm trường Cát và Trỉa đều sống xa gia đình. Vào sáng thứ 2, các thầy cô mang theo ba lô, lương thực vào trường. Đến chiều thứ 6, thầy cô tiếp tục vượt chặng đường gian nan ấy trở về. Mùa mưa, tùy theo thời tiết và mực nước suối, nếu bất lợi thì các thầy, cô giáo này đành phải ở lại. Do đó, lương thực, thực phẩm mang theo được sử dụng cho cả tuần. Đối với thức ăn, các thầy cô chọn cách nướng lên, hoặc chế biến khô để sử dụng nhiều ngày.

Thầy Thành cho biết: “Trước đây, nhà trường có cho 1 cái tủ lạnh cỡ nhỏ nhưng nay đã bị hỏng. Vì vậy, sáng thứ 2 mỗi tuần, cô Hằng mua thịt, cá mang lên. Sau đó, chúng tôi nướng hết để bảo quản được lâu hơn, dùng dần đến cuối tuần. Biết là ăn đồ nướng mãi dễ ngán vừa không đảm bảo sức khỏe nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Không chỉ đường sá đi lại khó khăn, trắc trở, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo việc dạy học, ăn ở cho giáo viên và học sinh; điểm trường lẻ thôn Cát, Trỉa còn thiếu nước sạch. Giáo viên và người dân vẫn phải dùng nguồn nước dẫn từ sông, suối về để phục vụ sinh hoạt.

Thầy Hồ Xuân Sinh trải lòng: “Mỗi khi trở lại trường, nhìn ánh mắt, nụ cười thơ ngây chào đón thầy, cô giáo của các em học sinh giữa núi rừng heo hút, chúng tôi không cầm lòng được. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng cũng rất đỗi trân quý của nghề giáo mà chúng tôi đã chọn”.

Thầy giáo Nguyễn Đình Sâm - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Sơn cho biết, điểm trường Cát, Trỉa hiện có 7 giáo viên đứng lớp, với tổng số gần 90 em học sinh. Trong đó, điểm Cát có 65 em và điểm Trỉa 24 em. Đây là những điểm trường cách xa trung tâm. Vì niềm đam mê, trách nhiệm với học sinh nên các thầy cô luôn nỗ lực, cố gắng để lên lớp dạy chữ cho học sinh vùng cao nơi đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan dạy chữ nơi 'ốc đảo'