Giáo dục

Giảng dạy nội dung giáo dục địa phương: Vừa xếp hàng vừa… chạy

23/02/2025 11:00

Nội dung giáo dục địa phương vẫn gặp khó khăn khi triển khai tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt trong công tác giảng dạy...

Khó khăn có thể kể tới như thiếu tài liệu, thiếu giáo viên chuyên trách đảm nhiệm. Đây là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy tại nhiều trường.

Thiếu tài liệu

Đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Khánh Hòa hướng dẫn các trường xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức dạy học nội dung Giáo dục địa phương cho các khối lớp 9 và 12 khi có tài liệu.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, tài liệu Giáo dục địa phương cho các khối lớp 5, 9 và 12 chậm triển khai do phải chờ kết quả thẩm định của Bộ GD&ĐT, sau đó mới thực hiện khâu in ấn, phát hành. Với nội dung Giáo dục địa phương, các trường có thể chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình dạy học, không bắt buộc dạy môn học ở các tuần, không phải chia đều số tiết/tuần.

Trong năm 2024, Sở GD&ĐT Khánh Hòa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh biên soạn, hiệu đính tài liệu Giáo dục địa phương lớp 5. Với khối lớp 9 và 12, đầu năm học 2024 - 2025, trong khi chờ phê duyệt tài liệu, các trường học đã thống kê đăng ký số lượng cần cung ứng để sở phối hợp với nhà xuất bản in ấn, chuyển trực tiếp đến từng trường, đảm bảo hoàn thành nội dung môn học khi kết thúc năm học 2024 - 2025.

Tài liệu giảng dạy chưa kịp thời, đồng bộ và đầy đủ là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong triển khai dạy học nội dung Giáo dục địa phương. Hầu hết học sinh khối lớp của Đà Nẵng chưa có sách giáo dục địa phương, các em chỉ được học thông qua bài giảng của cô giáo và trên tập tài liệu in màu hoặc đen trắng mà giáo viên gửi file PDF để phụ huynh tự in ra.

Dù gần kết thúc học kỳ I mới có tài liệu Giáo dục địa phương, các trường THCS ở Đà Nẵng đã nỗ lực giảng dạy ít nhất 2 chủ đề đối với khối lớp 9 để học sinh kịp kiểm tra. Bộ tài liệu Giáo dục địa phương lớp 9 của TP Đà Nẵng có 6 chủ đề, cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, môi trường của thành phố.

Ngay sau khi có tài liệu, Trường THCS Nguyễn Trãi (Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xây dựng kế hoạch giáo dục, chỉ đạo giáo viên bộ môn tổ chức giảng dạy cho học sinh một cách khoa học, hợp lý. Kết thúc học kỳ I, học sinh lớp 9 của nhà trường đã hoàn thành 2 chủ đề, gồm Lịch sử Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX đến nay và Huyện đảo Hoàng Sa.

Trong thời gian chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 12, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã hướng dẫn các trường bố trí thời khóa biểu cho các môn học khác trong tháng 9. Ngay sau khi tài liệu được phê duyệt, các trường sắp xếp lại thời khóa biểu, bố trí tăng tiết, đồng thời kết hợp một số chủ đề vào hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đối với hoạt động, môn học Giáo dục địa phương.

Bắc Giang đã biên soạn đầy đủ các tài liệu nội dung Giáo dục địa phương từ lớp 6 đến lớp 12 để thực hiện đồng bộ Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, việc phân phối những tài liệu này đang gặp khó ở khâu in ấn và xuất bản. Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chuyển file mềm đến các trường học, để giáo viên và học sinh chủ động sử dụng trong quá trình dạy - học. Tuy nhiên, việc sử dụng tài liệu dưới dạng bản mềm chưa thực sự hiệu quả.

Tỉnh An Giang cũng chưa phát hành chính thức tài liệu nội dung Giáo dục địa phương của các khối lớp 5, 9 và 12 do vướng mắc ở khâu thẩm định giá sách. Theo lý giải của đại diện Sở GD&ĐT An Giang, việc xác định giá sách cần phải đảm bảo hài hòa giữa chi phí in ấn, phát hành và khả năng tiếp cận của học sinh.

Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng kinh phí từ ngân sách với gần 4,3 tỷ đồng để tổ chức đấu thầu, in ấn, xuất bản và cấp cho các trường tiểu học tài liệu Giáo dục địa phương. Các tài liệu này được chuyển vào thư viện trường học, cho học sinh và giáo viên mượn sử dụng và cuối năm trả lại thư viện để dùng tiếp cho các năm sau.

vua-xep-hang-vua-chay-1.jpg
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) tổ chức cho học sinh tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu (huyện Hòa Vang). Ảnh: NTCC

Linh hoạt bố trí giáo viên

Trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chủ yếu bố trí giáo viên được đào tạo chuyên môn Lịch sử - Địa lý đảm nhận dạy học nội dung Giáo dục địa phương. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Phần lớn giáo viên tổ Lịch sử - Địa lý của nhà trường là người địa phương. Vì vậy, khi tìm hiểu, bổ sung thêm thông tin minh họa cho bài dạy trên cơ sở tài liệu đã được biên soạn có nhiều thuận lợi.

Nhà trường có một phòng bộ môn với nhiều tư liệu, hiện vật được giáo viên sưu tầm và ủng hộ nên giờ học Giáo dục địa phương vì vậy hấp dẫn hơn với học sinh”. Một số chuyên đề có liên quan đến văn học, âm nhạc, nghệ thuật sẽ do giáo viên Ngữ văn hoặc Âm nhạc, Mỹ thuật phụ trách.

Trong khi đó, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) tùy theo chuyên đề để phân công giáo viên đứng lớp với phần nội dung Giáo dục địa phương. Với đặc thù có số lượng lớp đông, giáo viên các môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử được nhà trường lựa chọn để phân công dạy môn học này. Trong đó, ưu tiên chủ yếu giáo viên môn Lịch sử và Địa lý.

Cô Nguyễn Thị Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, với khối lớp 9, nhà trường phân công mỗi giáo viên đảm nhận dạy học Giáo dục địa phương/lớp học. Trong khi đó, với khối lớp 8, có thể một giáo viên sẽ đảm trách 3 - 4 lớp ở nội dung dạy học này. Điều này để phù hợp với việc đảm bảo hiệu quả khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm bên ngoài nhà trường.

Không thuận lợi như Trường THCS Trần Quý Cáp, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) bố trí giáo viên Thể dục kiêm luôn dạy học nội dung Giáo dục địa phương. Theo đó, thầy Trần Ngọc Phúc - giáo viên Thể dục đảm nhận dạy học các tiết học Giáo dục địa phương ở khối lớp 8 - 9. Khối lớp 6 - 7 thì thầy Hiệu trưởng đứng lớp các tiết này.

Thầy Trần Ngọc Phúc chia sẻ: “Dạy học Giáo dục địa phương có một số khó khăn như trái chuyên môn được đào tạo nên tôi cần đầu tư nhiều thời gian hơn trong tìm kiếm, thẩm định các thông tin có liên quan để bổ sung, góp phần làm phong phú thêm bài dạy. Thậm chí, phải tìm hiểu thêm văn hóa, tập tục đồng bào nơi trường đóng chân để giờ học thêm gần gũi, sinh động với học sinh. May mắn, trong sinh hoạt chuyên môn, tôi được sự hỗ trợ nhiều của đồng nghiệp đang dạy các môn Lịch sử - Địa lý nên đỡ lúng túng”.

Tùy theo thực tế từng năm học, nội dung Giáo dục địa phương được Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam phân công cho những giáo viên chưa đủ tiết dạy theo định mức đảm nhận.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, giờ học nội dung Giáo dục địa phương có thể do thầy cô các môn Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Thể dục… đứng lớp. Để đảm bảo hiệu quả cho các tiết học này, giáo viên đều được tập huấn kỹ, có tham khảo kế hoạch bài dạy của đồng nghiệp những năm trước để áp dụng trong dạy học.

vua-xep-hang-vua-chay-4.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam tham gia Ngày hội văn hóa dân gian năm 2024. Ảnh: NTCC

Ứng dụng kho học liệu số

Cô Đinh Thị Hiền - giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, chương trình Giáo dục địa phương lớp 6 có nhiều chủ đề tích hợp các phân môn: Địa lý, Lịch sử hay Môi trường, Sinh học… Để tạo sự hứng thú cho học sinh, giáo viên soạn bài PowerPoint thật sinh động, hấp dẫn; giáo án vẫn bám vào tài liệu Giáo dục địa phương do Sở GD&ĐT Đà Nẵng biên soạn.

Ngoài ra, giáo viên phải tìm hiểu, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để đưa vào bài giảng. Đối với học sinh, do không có sách giáo khoa nên giáo viên sẽ hướng dẫn tìm tài liệu cho mỗi chủ đề học. Ví dụ với chủ đề Địa lý, hành chính Đà Nẵng, giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị một số nội dung như: Có bao nhiêu quận, huyện; vị trí địa lý như thế nào; với chủ đề Di sản phi vật thể, học sinh chuẩn bị trước về các di sản trên địa bàn thành phố…

Theo kinh nghiệm của thầy Võ Đăng Chín, để chủ động các nguồn tranh ảnh, video… cho dạy học Giáo dục địa phương, giáo viên trong quá trình dạy học đồng thời xây dựng kho học liệu số để thành tài nguyên dùng chung cho những năm học sau.

Trong khi đó, thầy Đặng Ngọc Lam - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, đội ngũ giáo viên dạy học nội dung Giáo dục địa phương phải ổn định hằng năm để đảm bảo được tập huấn, cập nhật thay đổi trong kinh tế - xã hội của địa phương.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức dạy học lồng ghép kiến thức đa dạng sinh học địa phương trong môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và Giáo dục địa phương cho giáo viên khối lớp 6, 8 ở 72 trường có cấp THCS.

Các giáo viên còn được hướng dẫn phát triển kỹ năng tổ chức lớp học trải nghiệm thực tế về thiên nhiên, đa dạng sinh học có số lượng lớn học sinh, nhất là triển khai học tập, trải nghiệm thiên nhiên và đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà.

Một trong những công cụ để hỗ trợ cho giáo viên Đà Nẵng trong xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức hoạt động giáo dục địa phương là trang thông tin điện tử Thiên nhiên Đà Nẵng.

Trang này có hơn 3.000 tư liệu ảnh, video, tài liệu... về thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, được chia thành 6 nhóm nội dung về bán đảo Sơn Trà, loài voọc chà vá chân nâu, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, hệ sinh thái biển Đà Nẵng và hệ sinh thái ao, hồ, sông ngòi.

“Rất khó để có giáo viên chuyên trách cho nội dung Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả dạy học, các trường học đang phân công giáo viên đảm nhận nội dung này theo từng chuyên đề, phù hợp với chuyên môn được đào tạo cũng như thế mạnh từng giáo viên.

Dù kiêm nhiệm thì giáo viên dạy phần Giáo dục địa phương cũng cần ổn định hằng năm, được bồi dưỡng và cập nhật, bổ sung thường xuyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của địa phương, đảm bảo các tài liệu từ nguồn sưu tầm của mình có tính chính xác, tin cậy”. - Bà Trần Thị Thúy Hà (Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giang-day-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-vua-xep-hang-vua-chay-post719742.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giang-day-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-vua-xep-hang-vua-chay-post719742.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảng dạy nội dung giáo dục địa phương: Vừa xếp hàng vừa… chạy