Kết quả cho thấy, máy có khả năng tách được 500 - 700 trái dừa/giờ. Máy sử dụng nguồn điện lưới gia đình (220 V, 1 pha), điện năng tiêu thụ 6 kW/h, đơn giản, dễ sử dụng. Tơ xơ dừa được tách bằng máy và bằng tay có chất lượng tương đồng nhau cả về màu sắc và độ tơi xốp (hình 2). Tỷ lệ tách sạch vỏ trái dừa khô của máy lên tới 98%. Khối lượng tơ phủ còn lại trên hột dừa là 10 - 15g.
Tơ xơ dừa phủ trên chóp khoảng30 -45% diện tích hột dừa, giúp bảo quản hột dừa ít bị hư hỏng bởi thời tiết. Máy tách vỏ dừa tự động giúp cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến dừa không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, mà còn chủ động trong khâu tách vỏ để sản xuất tơ xơ dừa.
Giảm nhân công,tiết kiệm chi phí
Ngày 11/01/2022, nhóm nghiên cứu sản xuất do ThS Đặng Hoàng Vũ làm Trưởng nhóm cùng với TS Phạm Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Sản xuất, Dịch vụ (CSP) thuộc Trường Đại học Trà Vinh đã bàn giao máy tách vỏ dừa cho một doanh nghiệp chế biến dừa tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
TS Phạm Quốc Phong cho biết, hiện nay, máy có giá thành tương đối phù hợp với cơ sở, khả năng thu hồi vốn đầu tư máy nhanh (khoảng 100 triệu đồng/máy). Với năng suất của máy tách vỏ sẽ giúp cho cơ sở, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất trong ngành chế biến dừa, chủ động khâu tách vỏ trong sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Phù Xuân Tâm, chủ doanh nghiệp, cho biết, máy tách vỏ giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu thuê nhân công, tiết kiệm chi phí, hơn nữa nguồn điện vận hành cho máy cũng rất tiện lợi vì sử dụng chung điện lưới gia đình, hột dừa sau khi lột vỏ khá sạch, thuận lợi cho việc sản xuất nước cốt dừa, việc vận hành máy cũng khá đơn giản và thuận lợi”.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm phiên bản nâng cấp nhằm cải tiến bộ cánh ép để lột vỏ dừa tươi, góp phần tạo sức cạnh tranh, mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến dừa tại địa phương và các tỉnh lân cận. Định hướng nghiên cứu gắn với sản xuất cũng mục tiêu đang được đẩy mạnh của Trường Đại học Trà Vinh.
Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các giáo viên trong trường, mà còn đồng thời góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và người dân tăng thêm thu nhập từ dừa cũng như nhiều các loại cây trái khác.