Trong phần lớn giai đoạn của cuộc chiến, Iraq phải chống đỡ các cuộc tấn công của Iran.
Lực lượng chủ lực Iraq đối phó các đơn vị tiến công của Iran là tập đoàn quân số 4, với quy mô gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn cơ giới và 2 sư đoàn bọc thép. Sau những khó khăn bước đầu, lực lượng Iran áp sát thành phố al-Amarah, cách biên giới Iran khoảng 50km. Trong cuộc đụng độ căng thẳng, hai bên chủ yếu giao tranh bằng cách đấu pháo. Không quân Iran yểm trợ một cách hạn chế vì mạng lưới phòng không dày đặc trong lãnh thổ Iraq.
Ngoài ra, Iran cũng gây sức ép bằng cách nã pháo nhằm vào các thành phố Basra, Khanjein và Mandlee của Iraq. Những bãi mìn, đặc biệt là mìn chống tăng Iraq rải xung quanh thành phố Basra khiến lực lượng Iran chịu tổn thất lớn.
Các chiến thuật giúp Iran giành lại lãnh thổ năm 1982 đến nay tỏ ra không hiệu quả khi tấn công các thành phố lớn của Iraq. Trong giai đoạn này, Iraq vung tiền nhập khẩu số lượng vũ khí gấp 3 lần Iran. Iraq cũng tung vào chiến trường các xe tăng T-72 hiện đại vào thời điểm đó.
Vũ khí đáng kể mà Iran nhập khẩu từ nước ngoài khi đó có thể kể đến chiến đấu cơ F-1 Mirage của Pháp, trang bị tên lửa đối đất Exocet. Nhưng Iraq mua trực thăng tấn công Super Frelon của Pháp, bổ sung thêm năng lực yểm trợ tầm gần.
Trong giai đoạn chống đỡ cuộc tiến công của Iran, Iraq nhận được sự hậu thuẫn từ các quốc gia vùng Vịnh. Các quốc gia dầu mỏ cung cấp tín dụng để Iraq vung tiền mua thêm 300 máy bay các loại, chủ yếu là các oanh tạc cơ và tiêm kích của Liên Xô.
Ngược lại, trong số 400 máy bay Iran sở hữu từ thời trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, chỉ còn 70 chiếc có thể hoạt động tính tới năm 1983.
Năm 1984, Iran phát động cuộc tiến công mới ở Iraq với 250.000 quân (khoảng 25 -33 sư đoàn). Kết thúc giao tranh kéo dài hơn một tháng, Iran tổn thất 20.000 quân nhưng được coi là chiến thắng vì kiểm soát hai hòn đảo Majnoon và Baida của Iraq.
Tuy nhiên, mũi tiến công của Iran ở phía bắc Iraq thất bại, một phần do sự hỗ trợ yếu ớt từ lực lượng ly khai người Kurd. Chiến lược bao vây thủ đô Baghdad vì vậy cũng không thực hiện được.
Theo quan điểm của các nhà quan sát quốc tế, cho đến cuối năm 1986, Iran vẫn chiếm ưu thế trước Iraq. Quân đội Iran dù gặp khó khăn vì thiếu thốn vũ khí, nhưng vẫn tạo được bước tiến, kiểm soát các khu vực chỉ cách Baghdad khoảng 113km. Iran cũng phát triển thành công máy bay không người lái (UAV) vũ trang đầu tiên mang tên Mohajer-1. Mẫu UAV này có thể mang theo 6 đầu đạn chống tăng RPG-7.
Chiến tranh Iraq - Iran là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Đầu năm 1987, Iran tiếp tục mở cuộc tiến công lớn trong lãnh thổ Iraq và mục tiêu vẫn là thành phố Barsa. Iran huy động khoảng 200.000 quân tấn công với 70% thành phần là lực lượng IRGC.
Ở trên bầu trời, các chiến đấu cơ Iraq áp đảo Iran với số lượng 10-1. Chỉ riêng 2 ngày giao tranh, các chiến đấu cơ Iraq xuất kích hơn 500 lần, phá hủy 218 phương tiện bọc thép Iran.
Mặc dù Iran vượt trội hơn trong tác chiến trên bộ, nhưng chiều sâu trong mạng lưới phòng thủ của Iraq ở Barsa ngăn Iran giành được chiến thắng. Sau 8 ngày giao tranh, Mỹ ước tính Iran tổn thất 40.000 quân (tương đương 25% lực lượng) còn Iraq tổn thất 10.000 quân. Tổn thất lớn khiến Iran mất động lực tiến công và phải rút lui dù đã tiến sát đến cửa ngõ thành phố.
Cuộc chiến Iraq - Iran cứ như vậy diễn ra theo cách Iran nắm thế chủ động, nhưng không giành được chiến thắng quyết định, còn Iraq có nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài để tiếp tục chiến đấu.
Xung đột chỉ đi đến hồi kết khi Mỹ chính thức can dự trong một cuộc đụng độ với Iran vào năm 1988. Sau cuộc đụng độ này, Iran cảm thấy cần phải chấm dứt chiến tranh.
____________________
Không phải là đồng minh của Iraq ở thời điểm nước này có chiến tranh với Iraq, nhưng Mỹ thấy có lý do để quyết định can dự vào cuộc chiến. Một trận hải chiến hiếm hoi và đầy kịch tính giữa hải quân Mỹ và Iran đã diễn ra. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ 3, xuất bản sáng sớm ngày 20/11.
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên12