Giáo dục chủ quyền biển đảo qua hoạt động ngoại khoá

Dung Nguyễn | 04/12/2022, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thông qua các tiết học, hoạt động ngoại khoá Trường TH – THCS Trần Hưng Đạo giáo dục học sinh phải có trách nhiệm hơn với chủ quyền biển, đảo.

Học sinh hào hứng tìm hiểu về biển đảo

Với chủ đề “Biển, đảo Việt Nam” chương trình ngoại khoá sinh hoạt cụm chuyên môn của Trường Tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia.

3 đội thi đến từ các lớp được đặt theo tên hòn đảo, gồm: Trường Sa, Hoàng Sa và Bạch Long Vĩ cùng nhau tranh tài trong 3 phần thi: chào hỏi, kiến thức và hùng biện. Mở đầu hoạt động ngoại khoá, 3 đội thi đưa đến cho khán giả những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhưng không quên lồng ghép tuyên truyền cho thế hệ trẻ phải biết gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, học sinh hào hứng giới thiệu về hòn đảo gắn với tên đội mình và cùng nhau tranh tài ở hàng chục câu hỏi liên quan đến biển, đảo Việt Nam.

Em Đỗ Thị Yến Nhi cho biết, thông qua hoạt động ngoại khoá em và các bạn có cơ hội được tìm hiểu và tiếp thu thêm nhiều kiến thức về biển, đảo Việt Nam.

“Trước đây, đa số thông tin về biển, đảo em được biết qua lời thầy cô giảng và những bài học trong sách. Thông qua hoạt động này em có cơ hội trau dồi thêm kiến thức về biển đảo. Bên cạnh đó, em cũng cảm nhận được phần nào nỗi vất vả của thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ biển, đảo. Em rất cảm ơn các chiến sĩ đã bảo vệ bầu trời, vùng biển Việt Nam để chúng em có cuộc sống bình yên như hôm nay. Em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này có thể đóng góp, xây dựng quê hương”, em Yến Nhi tâm sự.

Giáo dục chủ quyền biển đảo qua hoạt động ngoại khoá ảnh 1
Em Trần Mỹ Ngọc vẽ tranh về biển, đảo Việt Nam.

Mấy ngày qua, em Trần Mỹ Ngọc - học sinh lớp 6A cùng các bạn vẽ tranh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… và những người chiến sĩ đã ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngọc cũng không quên nhắn nhủ vài lời lên bức tranh của mình với hy vọng mọi người cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống xung quanh.

“Sau khi tìm hiểu và vẽ tranh về biển, đảo Việt Nam, em nhận thấy hiện nay môi trường đang bị ô nhiễm khá nặng nề. Qua bức tranh về biển đảo, em hy vọng có thể tuyên truyền đến các bạn và mọi người phải biết quý trọng, gìn giữ môi trường nước, không khí… Với cá nhân em hiện đang là một học sinh sẽ cố gắng bảo vệ môi trường mà mình đang sinh sống. Cụ thể là không xả rác bừa bãi, hạn chế rác thải nhựa… vì nhiều chất thải sẽ đổ về biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và các sinh vật”, em Mỹ Ngọc bộc bạch.

Giáo dục lòng tự hào về chủ quyền biển, đảo

Giáo dục chủ quyền biển đảo qua hoạt động ngoại khoá ảnh 2
Tranh vẽ của học sinh về biển, đảo.

Cô Nguyễn Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo cho biết, đây không phải lần đầu tiên nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khoá giáo dục về biển, đảo đến học sinh. Tuy nhiên, lần này đại diện của các cụm trường trên địa bản thành phố cũng đến tham gia và đóng góp ý kiến để hoạt động được hoàn thiện hơn.

Theo cô Hoàn, mặc dù sinh sống trên địa bàn thành phố nhưng điều kiện sống của học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, đa phần kiến thức về biển đảo mà các em biết đều thông qua sách, báo và thầy, cô truyền tải. Thông qua hoạt động ngoại khoá về biển, đảo nhà trường muốn khơi dậy cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần dân tộc. Đặc biệt là lòng tự hào về chủ quyền biển, đảo và ý thức, trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

“Các em rất hào hứng tham gia và chủ động tìm hiểu những kiến thức liên quan đến biển đảo. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì, tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục học sinh phải biết yêu quý, gìn giữ và ghi nhớ công ơn của những người đã bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc”, cô Hoàn chia sẻ.

Giáo dục chủ quyền biển đảo qua hoạt động ngoại khoá ảnh 3
Học sinh hào hứng tham gia hoạt động ngoại khoá về biển, đảo.

Cũng theo Hiệu trưởng, không chỉ tuyên truyền về biển đảo trong những năm qua, nhà trường thường xuyên giáo dục về văn hoá truyền thống đến học sinh. Nhận thấy Nhảy sạp là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc các thầy cô đã đưa về trường để học sinh tìm hiểu và có cơ hội trải nghiệm.

Đều đặn 6 giờ sáng hàng ngày, sân trường lại rộn ràng tiếng cười nói, nô đùa của học sinh. Hàng chục em nhỏ quây quần, túm tụm lại với nhau. Tốp thì nhảy sạp, nhóm chơi nhảy dây, đi cà kheo… Mỗi buổi sáng, sân trường giống như ngày hội văn hóa dân gian với nhiều trò chơi đặc sắc ở các vùng miền khác nhau cùng tụ hội về.

“Các trò chơi dân gian đã tạo sân chơi lành mạnh, tăng cường sức khoẻ cho học sinh trước buổi học. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần đoàn kết, sự thông minh, khéo léo của các em. Không những vậy, những trò chơi dân gian này còn góp phần duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc”, cô Hoàn nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục chủ quyền biển đảo qua hoạt động ngoại khoá