Giáo dục chủ quyền tại địa chỉ đỏ

Quốc Ngữ | 26/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ giáo dục chủ quyền trong nhà trường, nhiều trường học ở tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại thực địa.

Thăm các di tích lịch sử, tận mắt thấy cột mốc, chứng kiến công tác bảo vệ chủ quyền giúp hiệu quả giáo dục được nâng cao.

Thầy, trò hào hứng tìm về “địa chỉ đỏ”

Đồng Tháp có hơn 50km đường biên giới, giáp với một số tỉnh của Vương quốc Campuchia. Các địa phương khu vực biên giới gồm huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự. Để giáo dục chủ quyền cho học sinh, nhà trường, địa phương triển khai nhiều hình thức linh hoạt, trong đó có hoạt động tìm về địa chỉ đỏ.

Thầy Phạm Tấn Phúc, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Tân Hội cho biết: Tham quan thực tế để lại cho thầy cô, học sinh nhiều ấn tượng, hiểu biết sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam và ý nghĩa của cột mốc biên giới quốc gia. Trong những năm học kế tiếp, nhà trường sẽ chủ động phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành đóng trên địa bàn và Đồn biên phòng Bình Thạnh tổ chức thêm nhiều sự kiện có ý nghĩa giáo dục, nhằm tuyên truyền cho các em lòng yêu nước và quyết tâm xây dựng quê hương…

Hành trình tìm về địa chỉ đỏ được các trường học tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều năm qua. Học sinh từ tiểu học đến THPT có cơ hội thăm, trải nghiệm tại khu vực cột mốc, qua đó lồng ghép nội dung giáo dục chủ quyền, trải nghiệm và giáo dục đạo đức lối sống. Mỗi chuyến trải nghiệm, học sinh có cơ hội hiểu hơn về quá trình xây dựng, bảo vệ cột mốc; hoạt động của bộ đội Biên phòng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia…

Hành trình đến địa chỉ đỏ (Cột mốc 235) của thầy, trò Trường Tiểu học Tân Hội và Tiểu học An Thạnh 3 (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) được phụ huynh, học sinh và nhà trường hưởng ứng tích cực. Đây là hoạt động giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc về biên giới chủ quyền lãnh thổ cho học sinh vùng biên được nhà trường thường xuyên thực hiện.

Theo lãnh đạo nhà trường, để tìm về địa chỉ đỏ, liên đội phối hợp với Đoàn thanh niên xã Tân Hội và Đồn biên phòng Bình Thạnh - Trạm kiểm soát Mộc Rá tổ chức cho học sinh, đội viên của hai trường tham quan và tìm hiểu Cột mốc biên giới 235. Hành trình đến địa chỉ đỏ của các liên đội không khuôn mẫu mà luôn linh hoạt, đổi mới tại nhiều địa điểm như đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ, thăm gia đình chính sách có công với cách mạng…

Tại các điểm tham quan, học sinh, đội viên được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, đặc điểm văn hóa, những hiện vật, công trình liên quan. Qua đó, học sinh được tương tác, mắt thấy, tai nghe nên hiệu quả giáo dục rất tốt.

Giáo dục chủ quyền tại địa chỉ đỏ ảnh 1

Thầy, trò Trường Tiểu học An Thạnh 3 (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) thăm Cột mốc 235 tiếp giáp Vương quốc Campuchia.

Mỗi chuyến đi là bài học lớn

Hồng Ngự (Đồng Tháp) là huyện biên giới nên công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Huyện đoàn cùng các trường học tổ chức phát động hành trình tìm đến địa chỉ đỏ - tìm hiểu các địa điểm lịch sử cách mạng tại địa phương. Hoạt động nhằm giúp đội viên, học sinh tìm về địa chỉ đỏ - nơi đã ghi dấu những chiến công của thế hệ ông cha trên vùng đất biên giới Hồng Ngự.

Đặc biệt, huyện triển khai nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức bằng hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức thi trưng bày hình ảnh về các nhân vật lịch sử, thi rung chuông vàng tìm hiểu về lịch sử, biên giới, biển đảo, về Đảng - Bác Hồ; Đưa đội viên, học sinh, đoàn viên thanh niên đến các địa chỉ đỏ như cột mốc biên giới, bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, khu di tích kiến trúc nghệ thuật; Lồng ghép trong các buổi hoạt động, dã ngoại nội dung truyền thống cách mạng. Qua đó giáo dục các em lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của thế hệ cha ông.

Chia sẻ về hành trình tìm đến địa chỉ đỏ, chị Nguyễn Thị Nương, Bí thư Huyện đoàn Hồng Ngự cho biết: Hành trình đến các địa danh cách mạng trên địa bàn huyện biên giới Hồng Ngự thể hiện đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Em Nguyễn Bảo Anh, học sinh Trường THCS Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: “Đây là dịp để học sinh có cơ hội được đến tham quan, trải nghiệm về đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, hiểu được cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền biên giới, hiểu thêm công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng. Thăm và chăm sóc các địa chỉ đỏ, di tích, đặc biệt là trò chuyện với nhân chứng lịch sử, chúng em càng tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng và biết ơn, tri ân sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục chủ quyền tại địa chỉ đỏ