Từ thực tế đứng lớp, thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa, chia sẻ về phương pháp dạy học tích hợp hiệu quả, đa dạng sinh học theo hướng phát triển bền vững.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa cho biết: “ Là một cán bộ quản lý ở Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Sinh học, tôi thấy khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, HS có thể lựa chọn hoặc không chọn môn Sinh học. Nếu gắn nội dung giáo dục địa phương và với môn Sinh học sẽ giúp học sinh yêu thích môn học này, thêm hiểu biết về đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng dạy - học".
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa cho biết: Khi làm kế hoạch giáo dục nhà trường đầu năm học, tôi nhận thấy nếu đưa các nội dung tích hợp vào các môn học thì hiệu quả hơn, học sinh sẽ không bị lệch kiến thức. Nếu như HS không chọn môn Sinh học, để hiểu biết về đa dạng sinh học (ĐDSH) thì sẽ được tích hợp vào nội dung Giáo dục địa phương và một số môn học khác. Ngoài việc dẫn dắt làm cho HS hiểu biết về địa phương, các em còn có nhận thức sâu sắc về sự phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn ĐDSH theo hướng phát triển bền vững, khai thác và giữ gìn cho hiện tại và tương lai.
Trong nhà trường, HS là chủ thể của quá trình giáo dục, có vai trò trung tâm nên tôi mong muốn việc triển khai đề tài này hỗ trợ hiệu quả cho các em nhằm nâng cao nhận thức, hành động cụ thể góp phần bảo vệ ĐDSH đồng thời phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; đồng thời hướng dẫn HS bước đầu nghiên cứu khoa học theo chức năng của trường THPT chuyên, vừa thể hiện tính kết nối chặt chẽ giữa dạy và học, vừa hiểu được các em muốn được học điều gì và học thế nào cho hiệu quả.
Sự phong phú về kiến thức và hấp dẫn nội dung của môn học là rất lớn, để xây dựng được nội dung bao gồm những kiến thức về ĐDSH cần phải đưa những khái niệm chung về ĐDSH. Những khái niệm cơ bản cần đưa vào nội dung giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học như bảo tồn, ĐDSH, đa dạng di truyền, đa dạng loài, sự phân bố đa dạng sinh học… Tùy theo đối tượng và mục tiêu giáo dục cụ thể mà có thể đưa nhiều hay ít, khái niệm chuyên sâu hay phổ thông cho phù hợp, nên gắn với giáo dục địa phương sẽ tạo sự hấp dẫn HS.
Thực tế cho thấy, việc giảng dạy học ĐDSH trong Trường THPT chuyên Hạ Long đã mang lại nhiều hiệu quả xã hội quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Giúp học sinh nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường: Ví dụ, khi được dạy về lãng phí nước từ vòi nước rò rỉ (kĩ năng tính toán: cứ mỗi giây rò rỉ 1 giọt nước thì trong 1 tháng 30 ngày sẽ lãng phí bao nhiêu nước, biết 1 ml tương ứng khoảng 20 giọt. Câu trả lời: 129,6 lít) sẽ giúp các em chú ý hơn trong mỗi hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.
Giúp HS phát triển kỹ năng và thái độ sống tích cực, HS trở nên tự tin và độc lập hơn trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Các em đã nâng cao và có thái độ học tập tích cực hơn trong từng giờ học: Giáo dục 4.0 với trường học thông minh, người dạy và người học có thể kết nối thông tin nhanh chóng giúp hoạt động học tập của HS trở nên thuận lợi. Học sinh nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các hoạt động vì cộng đồng.
Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng xã hội bền vững là điều có thể nhận thấy rõ. Việc giảng dạy ĐDSH cung cấp nền tảng kiến thức quan trọng cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan đến môi trường, nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái...Hơn nữa, việc hiểu biết về các hệ sinh thái và vai trò của ĐDSH trong việc điều hòa khí hậu giúp thế hệ trẻ có những hành động phù hợp để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Quảng Ninh là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống với sự đa dạng về văn hóa, trong việc góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống.Ví dụ đồng bào dân tộc ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) với ruộng bậc thang, hội hoa Sở, lúa nương, ngô, rau đậu, cải suối, lợn bản, ngan sao,.. Có thể thông qua giáo dục ĐDSH bằng những đặc trưng này, đó là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực cũng như nét văn hóa riêng. Sự đa dạng này không chỉ đảm bảo nguồn cung cấp lương thực mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa và tri thức bản địa.
Biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học (cũng như ô nhiễm) là một phần của cuộc khủng hoảng ba hành tinh liên kết với nhau mà thế giới đang phải đối mặt. Nhiều giải pháp được thực hiện, trong đó việc tuyên truyền về đa dạng sinh học được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng không thường xuyên, và theo một sự kiện kỉ niệm hoặc hoạt động cụ thể. Việc giảng dạy ĐDSH trong trường THPT không chỉ trang bị kiến thức khoa học mà còn mang lại những hiệu quả xã hội sâu rộng, đa lĩnh vực, góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm, yêu thiên nhiên và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước - Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa.