Hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ...
Sáng 15/4, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ hơn 70 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết 57 xác định, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trong tiến trình đó, hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Với mạng lưới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng trên địa bàn Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa các khát vọng lớn lao của Nghị quyết, tạo động lực mới cho tăng trưởng GRDP, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.
Để nâng cao năng lực thích ứng và duy trì đà tăng trưởng bền vững, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương phát triển năng lực tự chủ về công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Trong đó, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt giúp nền kinh tế chuyển từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.
“Với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục đại học tại Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 57” - ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Với hơn 36.000 người học; trong đó có 729 học viên cao học và 172 nghiên cứu sinh; GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đây là nguồn nhân lực dồi dào để triển khai nghiên cứu và sáng tạo.
Hai Đề án: Thu hút giảng viên xuất sắc giai đoạn 2021-2025; Tạo nguồn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023 – 2030 - đã và đang thu hút và tạo ra nguồn giảng viên có chất lượng cao được lựa chọn từ đội ngũ các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ kế cận chất lượng cao cho nguồn nhân lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của đại học.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 57, GS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất, cần có mô hình phát triển mới; trong đó lấy tri thức dẫn dắt, công nghệ làm nền, con người làm gốc và chính sách làm đòn bẩy.
Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất bốn cơ chế chiến lược: Thứ nhất, cơ chế đặt hàng chiến lược từ thành phố đến đại học đối với các chương trình nghiên cứu chiến lược trọng điểm của Thủ đô.
Thứ hai, thành lập liên minh Đổi mới sáng tạo Đại học Hà Nội (HUIA) nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Thủ đô
Thứ ba, xây dựng cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị (Urban Sandbox) tại các Khu Công nghệ cao Hòa lạc, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội và Khu/Cụm Công nghiệp Hà Nội. Thử nghiệm bản đồ số, cảm biến đô thị, Trí tuệ nhân tạo (AI) điều phối giao thông, dịch vụ công tích hợp.
Thứ tư, thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư – Doanh nghiệp vận hành.
Việt Nam hiện có 250 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục với khoảng 2,6 triệu sinh viên. GS.TS Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhìn nhận, trong số các cơ sở này, 10% có chất lượng xuất sắc và đã tích hợp được quy mô, vị thế quốc tế.
“Chúng ta phải tập trung vốn, đầu tư vào nhóm này để đào tạo thế hệ lãnh đạo khoa học và công nghiệp mới, những người sẽ giúp đất nước tiến lên theo chuỗi giá trị và xây dựng danh tiếng cho Việt Nam như một con rồng bay lên trong đổi mới sáng tạo mới” - GS.TS Jean-Marc Lavest gợi mở và cho rằng, quá trình chuyển đổi này sẽ mất thời gian, có lẽ 10 năm và cần được áp dụng với các cơ sở đại học khác.
Quá trình chuyển đổi này có sứ mệnh chính là phục vụ nhanh chóng và kịp thời các nhu cầu trước mắt và thường là ngắn hạn của nền kinh tế cũng đang trong quá trình chuyển đổi.
“Việt Nam là đất nước của tài nguyên và tài năng. Tôi tin tưởng vào khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc vạch ra con đường vững chắc và đầy tham vọng cho tương lai của đất nước, cho sự thịnh vượng của các thế hệ hiện tại và tương lai” - GS.TS Jean-Marc Lavest bày tỏ.
Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công cuộc phát triển, GS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ 7 Kênh tạo giá trị của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm: nâng cao năng suất, hiệu quả, bền vững; tạo ra sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề và mô hình kinh doanh mới; chuyển đổi cơ cấu; thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và nỗ lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng tương lai; mở rộng qui mô thị trường và thúc đẩy tính đa dạng và tinh tế của nhu cầu; cải thiện môi trường kinh doanh và các yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo GS.TS Vũ Minh Khương, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp “4 tăng” gồm: Tăng năng suất lao động, tăng việc làm, tăng đầu tư và tăng chất lượng lao động.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn để các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực thi Nghị quyết 57 một cách hiệu quả, thực chất, gắn với thế mạnh và nhu cầu phát triển của từng đơn vị và của Thủ đô.