“Trong giờ ăn, chúng tôi vẫn phải luôn quan sát, nhắc nhở. Ví dụ như nhắc trẻ mời cô, mời các bạn trước khi ăn. Khi ăn xong, dạy trẻ biết vứt rác đúng nơi quy định. Trẻ lấy đồ chơi ở chỗ nào thì khi cất cũng phải đúng vị trí đó. Hay như khi ho và hắt hơi thì phải che miệng,… Tất cả những hành động đó, giáo viên đều phải làm mẫu”, cô Ngọc bộc bạch.
Học mà chơi...
Tại trường Mầm non Ánh Dương (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã) việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ được thực hiện thông qua các hoạt động trải nghiệm, như: “Trang trí góc chủ đề lớp học ngày Tết”, “Tri ân thầy cô 20/11”, “Lễ hội trung thu, “Tặng hoa và quà cho bà, mẹ ngày 8/3”... Từ đó, giúp trẻ biết yêu thương gia đình, kính trọng thầy cô.
Theo Ban giám hiệu nhà trường chia sẻ: Ngày Tết Nguyên Đán, trẻ sẽ được tham gia trang trí góc chủ đề ngày Tết. “Các con không chỉ biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết, mà còn hiểu thêm các món ăn, loài cây, hoa, đồ trang trí xuất hiện ở nhà mình trong những ngày đầu xuân năm mới. Trẻ sẽ biết được giá trị lịch sử và văn hoá của từng món ăn, như bánh chưng, bánh dày. Từ đó, giúp các con biết trân trọng, lưu giữ những truyền thống văn hoá”, cô Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cũng theo cô Hòa, dịp lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh trường Mầm non Ánh Dương sẽ được cùng nhau làm những bông hoa, bức tranh, tấm thiệp để tặng cô. Đó xem như lời cảm ơn, lời chúc đến những người có công dạy dỗ, giúp trẻ khôn lớn. Qua đó, trẻ sẽ dần hình thành thói quen biết ơn.
“Những ngày lễ, hội truyền thống ở nước ta đều có ý nghĩa riêng. Vì vậy, mỗi khi đến những ngày đặc biệt ấy, nhà trường đều có các tiết học liên quan đến chủ đề đó. Chúng tôi quan niệm rằng, “mưa dầm thấm lâu”, cứ mỗi lần như vậy dần dần trẻ sẽ tích lũy được vốn sống và thói quen tốt”, cô Hòa nói thêm.