Tại Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Nam), trong những năm qua, trường đã thay đổi cách giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bằng cách áp dụng các hoạt động ngoại khóa, ngày hội văn hóa dân gian để học sinh trải nghiệm.
Cô Trần Thị Đoan Quỳnh – Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Du cho hay, năm học qua, trường đã tổ chức một loạt các chuyên đề về an toàn giao thông, bạo lực học đường... cho học sinh. Đồng thời trường quy định về nề nếp ra vào trường, văn hóa học đường, văn hóa giao thông, những điều học sinh được làm, không được làm, quy định sử dụng điện thoại trong nhà trường...
“Thông qua nội dung tuyên truyền, trường tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện và trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Nhà trường giúp các em thấy được môi trường học tập an toàn và thân thiệngiúp các em ngày một tốt hơn, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ hoài bão, có kiến thức, có kỹ năng, sức khoẻ tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan và tự tin”, cô Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú-Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cùng với thực hiện tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị, ngành như đoàn thanh niên, công an... trong việc đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả cho học sinh, ngành giáo dục chủ động bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học với cả giáo viên và học sinh thông qua chính kết quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống.
Hiện, ngành giáo dục cũng đang kiện toàn đội ngũ, xây dựng các phòng chính trị, tư tưởng từ phòng đến cơ sở để tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh học sinh trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống.
Để công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng, ngành giáo dục huyện chú trọng xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, truyền thống văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy, các cấp học, các nhà trường, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp như các tiết học trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử tại bảo tàng, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương...
Các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh với nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần vào công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên trên địa bàn...