Giáo dục giới tính: Kiến thức 'nửa vời'

31/03/2024, 11:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục giới tính khó có thể được tiếp cận thông qua giao tiếp trực tiếp ở gia đình, trường học.

Nhiều học sinh, sinh viên đã tìm hiểu thông tin này trên các diễn đàn, mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin trên do không được kiểm chứng nên gây nhiều bất cập về nhận thức.

Khó giãi bày

Trên mạng xã hội, qua các trang “confessions” - dùng để giãi bày câu chuyện ẩn danh, sinh viên thường đăng tải những câu chuyện quan hệ tình dục không an toàn, lo ngại mang thai, cách dùng thuốc tránh thai khẩn cấp hay bị bạn trai bỏ vì lỡ mang thai. Điều này cho thấy còn nhiều em thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn.

Em N.T.T.H - sinh viên Trường Đại học và Tài nguyên Môi trường TPHCM, cho biết khi có bạn trai em mới thật sự quan tâm đến vấn đề tình dục an toàn và tìm kiếm thông tin về giáo dục giới tính.

Nhiều sinh viên nữ chia sẻ về việc đã quan hệ tình dục nhưng ngại mua bao cao su, chủ yếu bạn trai mua hoặc nếu mua thì đội mũ, đeo khẩu trang kín mít. Trong trường hợp cấp bách nếu không dùng bao cao su, các bạn sẽ mua thuốc tránh thai uống. Một số khác cho rằng, vào những nơi bán bao cao su sẽ bị đánh giá hư hỏng.

Một vài bạn nam sinh lớp 10 ở tại trường THPT (quận Bình Thạnh) lại quan niệm, tình dục không phải là chuyện xấu, tuy chưa có bạn gái nhưng các em đã thủ dâm và cùng bạn bè xem phim sex. Các em thấy việc đó có thể xả stress mỗi khi chán hay học hành căng thẳng.

“Người lớn không thể ngăn cấm việc quan hệ tình dục, bọn em sẽ phòng ngừa an toàn để tránh gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến học tập”, chia sẻ của một nam sinh trên diễn đàn.

T.T.Q.A - học sinh lớp 10 (quận Thủ Đức) kể về việc được tiếp cận thông tin giới tính trong chương Sinh sản ở bộ môn Sinh học lớp 8. “Có 1 bài giới thiệu về cơ quan sinh dục nam, nữ, sự thụ tinh, thụ thai và các biện pháp tránh thai. Các bạn trong lớp khi học về bài này đều ngại và mong nhanh chóng qua tiết học. Em không nhớ đã học gì”, Q.A kể lại.

Một bạn nam lớp 12 (quận Thủ Đức) kể về lần ba mẹ phát hiện bao cao su trong cặp. Từ đó, gia đình gây áp lực rất nhiều về sự việc trên, kiểm soát em từ học hành, sinh hoạt đi chơi với bạn bè.

Chị Phương, 38 tuổi (Bình Dương) chia sẻ, khi thông tin xâm hại trẻ em trên mạng ngày một nhiều, bản thân lo lắng và liên tục nhắc nhở về cách phòng bị mà con gái 13 tuổi của mình cần phải ghi nhớ.

“Tôi luôn dặn con phải giữ giới hạn giữa bạn bè; không cho người khác giới chạm vào cơ thể, đặc biệt là bộ phận nhạy cảm như mặt, môi, ngực, vùng kín. Nếu người nào cố tình thì hãy phản kháng và báo ngay cho người lớn”, chị Phương nói.

Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TPHCM giải đáp các thắc mắc cho học sinh TPHCM trong chương trình về “Phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em”. Ảnh: MT
Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TPHCM giải đáp các thắc mắc cho học sinh TPHCM trong chương trình về “Phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em”. Ảnh: MT

Học trên mạng là chủ yếu

Giáo dục giới tính, quan hệ tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, đến nay vẫn được xem là chủ đề nhạy cảm, nhất là ở gia đình. Hầu hết học sinh, sinh viên tiếp cận thông tin về tình dục chủ yếu từ Internet, mạng xã hội.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Sexuality Research and Social Policy, khoảng 84% thanh niên xem mạng xã hội là phương tiện thích hợp để tìm hiểu về sức khỏe tình dục, trong đó Facebook là nền tảng được ưa chuộng nhất.

“Chưa bao giờ em hỏi ba mẹ về những vấn đề liên quan đến tình dục vì rất ngại. Em cùng các bạn trong lớp chủ yếu tự tìm hiểu hoặc chia sẻ với nhau”, V.T.G - sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng TPHCM chia sẻ. Đưa ra lý do, nữ sinh cho rằng sợ ba mẹ nghĩ khi con gái bàn về chuyện đó sẽ là người hư hỏng, không lo học hành.

Theo ghi nhận, các bài đăng về giáo dục giới tính trên mạng xã hội được đầu tư bắt mắt về nội dung, hình ảnh. Tuy nhiên, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Để có thể tìm những kênh uy tín đòi hỏi sự chắt lọc và vốn hiểu biết của các bạn trẻ.

D.T.Y - sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM thường chọn những trang mạng xã hội giáo dục giới tính có lượt tương tác cao, nội dung phong phú hấp dẫn. Theo nữ sinh, chia sẻ và thông tin từ chuyên gia về sức khoẻ - y học như bác sĩ, tư vấn viên có bằng cấp sẽ uy tín hơn.

Tại Việt Nam, theo Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục gần đây nhất của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Bộ Y tế, có 17,4% vị thành niên, thanh niên hiểu đúng về thời điểm người phụ nữ có thể mang thai và 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục…

Một số nghiên cứu cũng được thực hiện trên quy mô nhỏ tại các trường đại học ở Việt Nam, mô tả thực trạng kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản của sinh viên.

Năm 2022, nhóm sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, Trường Đại học Văn Lang triển khai một khảo sát về nhận thức của sinh viên nhà trường trong vấn đề sức khỏe sinh sản. Kết quả cho thấy có khoảng hơn 50% sinh viên nhận thức chưa đúng về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản.

Một nghiên cứu mô tả cắt ngang, phỏng vấn trực tiếp 336 sinh viên năm nhất, thuộc khối ngành sức khoẻ của Trường Đại học Đại Nam, năm học 2021 – 2022 cũng cho thấy, kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản của sinh viên còn thấp.

Cụ thể, có 52,7% sinh viên đồng ý với các quan điểm quan hệ tình dục trước khi cưới là bình thường và 63,7% cho rằng mang thai trước khi cưới có thể chấp nhận được. Tỷ lệ sinh viên có quan hệ tình dục là 16,1% (16,7% trong số trên không sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục). Sinh viên nữ có nhận thức và thực hành về chăm sóc sức khoẻ sinh sản tốt hơn nam sinh.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ quan hệ lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần trong 6 năm qua, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Trong số học sinh từng quan hệ tình dục, hơn 42% có sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với năm 2013. Khoảng 63% có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục giới tính: Kiến thức 'nửa vời'