PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Để nội dung giáo dục KNS trở thành kỹ năng của học sinh thì cách thực hiện rất quan trọng. Giáo viên cần được tập huấn về nội dung và cách tích hợp giáo dục KNS, phải hiểu sâu bản chất môn mình dạy để liên hệ với cuộc sống.
Về phương pháp dạy học, giáo viên cần sử dụng đúng và thực hiện kỹ càng kỹ thuật triển khai mới có ý nghĩa. Ví dụ, phương pháp làm việc nhóm sẽ không thể phát triển kỹ năng hợp tác nếu giáo viên không thực hiện đúng kỹ thuật và có cách quản lý diễn biến hoạt động.
Tuy nhiên, giáo dục KNS chỉ thực hiện tích hợp trong môn học thì tính giáo dục chưa hiệu quả. Rất cần những giờ giáo dục KNS độc lập. Trong giờ học này, học sinh hiểu rõ hơn bản chất, cấu trúc KNS được học và quy trình rèn luyện để có kỹ năng đó. Như vậy, giáo viên cần được bồi dưỡng cách thực hiện những giờ giáo dục KNS độc lập.
Nêu quan điểm về vai trò quan trọng của KNS với sự tồn tại và phát triển của cá nhân trong môi trường xã hội, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh: Chương trình GDPT 2018 đưa nội dung giáo dục KNS vào chương trình môn học và hoạt động giáo dục chính khóa.
Song, với thời lượng và điều kiện của nhiều trường, việc triển khai công tác này chưa đạt như mong đợi. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra quy định, hướng dẫn cụ thể và giám sát hiệu quả hơn; trong đó, khuyến khích sự phối hợp giữa nhà trường với cá nhân/tổ chức và cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng quá trình giáo dục KNS cho học sinh.
“Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là chương trình bắt buộc thực hiện từ lớp 1 - 12, cung cấp cho học sinh nhiều KNS khác nhau. Tuy nhiên, chương trình dù đầy đủ bao nhiêu cũng không thể đủ so với sự phát triển của thực tế xã hội. Chính vì thế, chương trình giáo dục KNS luôn cần được bổ sung thông qua các hoạt động giáo dục KNS ngoài giờ lên lớp…”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.