Giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương qua môn Ngữ văn

Minh Thông - Phượng Vũ | 15/05/2022, 06:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử không chỉ giúp học sinh Hà Tĩnh cung cấp kiến thức mà còn bồi đắp cho các em tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương qua môn Ngữ văn

Đưa giáo dục truyền thống dân tộc vào tiết học

Trong chương trình giáo dục phổ thông, bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục con người, bồi đắp tư tưởng, tình cảm, nhân cách và quan niệm thẩm mỹ cho người học. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bộ môn Ngữ văn càng khẳng định vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục con người toàn diện.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ, thời gian qua, việc giảng dạy đã được nhiều trường học tại Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng. Công tác giáo dục được các nhà trường lồng ghép vào nhiều môn học trong đó có bộ môn Ngữ văn...

Chương trình Ngữ văn 2018 tập trung chú trọng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Từ việc lựa chọn hệ thống ngữ liệu trong sách giáo khoa đến việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Môn Ngữ văn xác định rõ yêu cầu giáo dục, đào tạo con người nhưng phải gần gũi, thực tế, làm sao để học sinh tiếp nhận những vấn đề mang tính tư tưởng một cách nhẹ nhàng, thấm và ngấm, tránh áp đặt, đao to búa lớn sẽ khiến vấn đề trở nên xa lạ, khó tiếp cận đối với người trẻ.

Một tiết dạy Ngữ văn tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh).

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần linh hoạt lồng ghép, tích hợp việc giáo dục lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cho học sinh trong các bài học Ngữ văn.

Ví dụ khi giảng dạy các tác phẩm văn học cách mạng, giáo viên cần liên hệ, mở rộng, bồi đắp mạnh mẽ cho tâm hồn học sinh niềm tự hào, lòng tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.

Giáo viên có thể lựa chọn liên hệ kể thêm các câu chuyện thực tế, gần gũi để học sinh dễ hình dung, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm của các em, tạo nên những rung động mang tính nhân văn đẹp đẽ.

Hoặc khi xây dựng ma trận đề kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên Ngữ văn cần chú trọng lựa chọn các ngữ liệu phong phú, mới, gần gũi, đảm bảo giá trị nghệ thuật nhưng phải mang tính giáo dục cao. Đặc biệt, khi kiểm tra cần bổ dung thêm các ngữ liệu thông tin về địa phương để cung cấp thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa bản địa cho học sinh.

Để học sinh hiểu thêm về truyền thống văn hóa địa phương

Hà Tĩnh là địa phương giàu truyền thống với bề dày văn hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Các thế hệ dân tộc Việt Nam, trong đó có con người Hà Tĩnh đã gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ngày nay, Hà Tĩnh đang cùng với cả nước bước vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở nhiều khía cạnh.

Các hoạt động ngoại khóa cũng bồi đắp thêm tình yêu quê hương và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh.

Các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng có sứ mệnh giáo dục, chuyển tải đến học sinh những tư tưởng cao đẹp, đúng đắn, có vai trò định hướng lý tưởng sống, bồi đắp trong tâm hồn học sinh những tình cảm nhân văn đối với gia đình, quê hương, nguồn cội.

Đối với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, trong bối cảnh hiện nay, các tổ bộ môn có thể tập trung trí tuệ tập thể để xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục về đặc điểm lịch sử, địa lý, đặc trưng văn hóa của mảnh đất và con người Thành Sen (một tên gọi khác của TP Hà Tĩnh). Các nội dung cần lồng ghép vào chương trình giáo dục địa phương của cả tỉnh, từ đó có định hướng cho giáo viên trong việc giáo dục học sinh về truyền thống của con người và quê hương.

Lễ kết nạp Đoàn viên thanh niên tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

Công tác giáo dục không chỉ đơn thuần lồng ghép trong tiết học mà GV bộ môn Ngữ văn cung cấp nội dung thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp như các tiết học tìm về di sản... Ở nội dung nào GV cũng cần lên kế hoạch cụ thể để đem lại hiệu quả cao nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương qua môn Ngữ văn