Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường

Đăng Chung | 12/09/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh giúp các em thêm hoài bão, lý tưởng…

Đạo đức lối sống là động lực học tốt

Trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Bắc Ninh năm học 2022 - 2023 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ký và ban hành tại Chỉ thị 05 là đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.

Thời gian qua, ngành Bắc Ninh đặc biệt coi trọng xây dựng văn hóa học đường. Bởi đây là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ sống có hoài bão, lý tưởng. Vì vậy, hoạt động này được coi là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong mỗi cơ sở giáo dục.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Thanh – Hiệu trưởng trường THPT Thuận Thành số 1 (huyện Thuận Thành cho biết), đón chào năm học mới 2022- 2023, Nhà trường vừa vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 60 thành lập trường.

Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường ảnh 1
Học sinh trường THPT Thuận Thành số 1 trong giờ học.

Đặc biệt, năm học vừa qua trường THPT Thuận Thành gặt hái nhiều thành tích cao trong dạy và học. Trong đó có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Cụ thể, điểm bình quân 9 môn: 7.26 tăng 0,23 điểm so với năm 2021, xếp thứ nhất khối THPT của tỉnh Bắc Ninh.

Số lượt học sinh từ 27 điểm trở lên Khối A, B, C, D, A1, D07 của Bắc Ninh là 625 em. Trong đó, trường THPT Chuyên Bắc Ninh có 189 lượt, trường THPT Thuận Thành số 1 có 59 lượt, tiếp đó là trường THPT Hàn Thuyên 48 lượt...

Vui, tự hào và hạnh phúc về các học trò, ông Nguyễn Hữu Thanh cho biết đó là “quả ngọt” từ nỗ lực trong dạy và học theo hướng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống. Bởi trường THPT Thuận Thành coi vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống đặc biệt quan trọng bên cạnh kết quả học lực của học sinh. Trường THPT Thuận Thành số 1 cũng là điểm sáng của tỉnh Bắc Ninh trong xây dựng trường học hạnh phúc.

“Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thái độ sống còn được coi là động lực, là điểm tựa để đạt được kết quả học tập tốt trong nhà trường. Đây cũng là nguồn sức mạnh, chìa khóa then chốt của nhà trường để đảm bảo phát triển toàn diện cả trí tuệ, nhân cách của học sinh…”, ông Thanh nhấn mạnh.

Còn tại trường THPT Hàn Thuyên (TP Bắc Ninh), bà Đặng Thị Bích Vân – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, mới đây Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo", thầy và trò Nhà trường có tham luận về nội dụng này.

Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường ảnh 2
Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 12A10 trường THPT Hàn Thuyên chia sẻ tham luận văn hóa học đường.

Trong tham luận của em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 12A10 trường THPT Hàn Thuyên bày tỏ, xây dựng môi trường văn hóa học đường văn minh chính là một trong những nền tảng quan trọng để tạo nên mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Theo Minh Thư đây không chỉ phù hợp với xu hướng giáo dục trong thời đại mới mà còn là cái nôi ươm mầm thế hệ trẻ có đầy đủ kiến thức, phẩm chất và kĩ năng sống, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách cũng như dám sống hết mình với ước mơ, hoài bão và mục tiêu đề ra.

“Có thể thấy hiện nay đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh đang có những biểu hiện lệch chuẩn, thể hiện trong mỗi hành vi, suy nghĩ, lời nói hằng ngày…”, Minh Thư bày tỏ.

Để xây dựng văn hóa học đường dưới góc nhìn của học sinh, Minh Thư nhấn mạnh đến mô hình “Trường học hạnh phúc”, bởi đây luôn là ước mong của tất cả các bạn học sinh.

Nơi đó thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau, môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, có văn hóa. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung để giáo viên cũng như học trò “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

“Xây dựng một môi trường Văn hóa học đường lành mạnh, tích cực chính là đang xây dựng một thế hệ trẻ có sức khỏe, có tinh thần sống đẹp. Từ đó góp phần dựng xây một tương lai phồn vinh và tươi đẹp cho đất nước hôm nay và mai sau. Chúng em mong muốn được nhận sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc để tất cả các bạn học sinh hiện tại cũng như tương lai luôn luôn học tại môi trường đó…”, Minh Thư chia sẻ.

Lan tỏa những mô hình

Chia sẻ với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Cương Nghị– Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh cho biết, ngành giáo dục thành phố Bắc Ninh có nhiều biện pháp hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng trong đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Đơn cử, “Xếp hàng đón con” là mô hình hay góp phần đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường ảnh 3
“Xếp hàng đón con” là mô hình hay góp phần đảm bảo trật tự ATGT, văn hóa học đường.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn Bắc Ninh triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Xếp hàng đón con”. Cụ thể, triển khai thí điểm tại các trường: Tiểu học Suối Hoa, Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản, THCS Nguyễn Đăng Đạo (thành phố Bắc Ninh). Đến nay, sau 3 năm thực hiện, mô hình đã được triển khai tại hơn 200 trường học.

Ông Nguyễn Cương Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) cho biết, cùng với mô hình “Xếp hàng đón con”, Phòng lưu ý các nhà trường nhắc nhở phụ huynh đã uống rượu bia không lái xe.

“Những phụ huynh đến đón con bằng ô tô cũng tự giác, không chen lấn hay đi vào khu dành cho xe máy mà đỗ xe bên ngoài, tại những vị trí được phép. Khi các em học sinh ra cổng, phụ huynh đón và rời đi ngay. Từ việc chấp hành tốt của phụ huynh học sinh tạo văn hóa giao thông, giáo dục đạo đức lối sống cho chính con em mình…”, ông Nghị chia sẻ.

Theo ông Nghị, Phòng chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tác hại của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh được quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt.

"Thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục thành phố triển khai đa dạng hoá nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh.

Đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho học sinh. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường, nhân rộng các mô hình tiên tiến, những việc làm tốt.

Qua đó để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới...", ông Nghị nhấn mạnh.

Bài liên quan
Xây dựng văn hoá học đường là nhiệm vụ trọng tâm
(GDTĐ) - Xây dựng văn hoá học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tại mỗi địa phương và từng cơ sở giáo dục, đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục lối sống cho học sinh từ xây dựng văn hóa học đường