Ưu tiên xây dựng văn hóa học đường với quyết tâm lớn

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần được chung tay triển khai thực hiện một cách nghiêm túc với quyết tâm lớn. Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” chiều 22/8.

Ưu tiên xây dựng văn hóa học đường với quyết tâm lớn ảnh 4

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Nhiệm vụ lớn của không chỉ riêng ngành Giáo dục

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Văn hóa là phạm vi rất rộng lớn và hết sức quan trọng. Đối với ngành GD-ĐT, văn hóa quan trọng đến mức, đã có một thời kỳ người ta đồng nhất trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Điều này thể hiện, trong đối tượng, mục tiêu của giáo dục, văn hóa là một phần vô cùng quan trọng; thậm chí yếu tố học vấn và văn hóa là không thể tách rời.

Các ý kiến tại hội nghị cũng bàn đến văn hóa từ nhiều góc độ. Có nhiều ý kiến khẳng định văn hóa là phạm vi vô cùng rộng lớn, và trên thực tế có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Sự rộng lớn ấy dẫn đến khó khăn vì dễ rơi vào mơ hồ, không biết làm từ đâu và cần phải làm gì. Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ đã giải tỏa điều này khi xác định được những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ những việc cần làm.

Trước đó, tinh thần của Chỉ thị 08 cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới diễn ra gần đây, với ý nói, trong vấn đề mênh mông của văn hóa cần chú ý 2 phương diện: Giáo dục nhằm tạo lập hệ giá trị và giáo dục nhằm rèn luyện thái độ và hành vi ứng xử. Cốt lõi của văn hóa không gì khác là hệ giá trị và cơ chế vận hành của văn hóa không gì khác là các thái độ và hành vi ứng xử. Nên tạo dựng văn hóa học đường không gì khác là nhằm để tạo dựng hệ giá trị và rèn luyện, uốn nắn, bồi đắp cho những thái độ, hành vi và sự ứng xử.

Đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề văn hóa thực ra còn rộng lớn hơn, với 2 phương diện được xác định, đó là: Giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục. Vấn đề bàn trong hội nghị hôm nay - văn hóa học đường - là một phần giáo dục văn hóa, với tư cách là những gì ngành Giáo dục tác động vào, hướng đến và tạo ra.

Muốn có giáo dục văn hóa tốt, theo Bộ trưởng, văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên một cơ sở bao quát và rộng lớn; điều này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được. Từ đó, Bộ trưởng mong muốn thúc đẩy sự hợp tác, để cùng vì mục tiêu rất rộng lớn này.

Cho biết các nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa học đường đã được nêu rất rõ trong Chỉ thị 08, tại hội nghị Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung lưu ý các nội dung sau:

Thứ nhất, triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những vấn đề thuộc về hệ giá trị đã nêu ra, trong Chương trình mới đều đã có. Đặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mĩ, những yếu tố giáo dục mà rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Làm thật tốt điều này là một bước quan trọng của gây dựng, phát triển văn hóa học đường từ góc độ nội dung cốt lõi.

Thứ hai, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường. Đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất.

Thứ ba, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.

Thứ tư, tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kĩ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo". Và văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy.

Ưu tiên xây dựng văn hóa học đường với quyết tâm lớn ảnh 5
Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương. Nếu trong trường, thầy cô làm gương tốt, nhưng ra khỏi cổng trường gặp đầy những tấm gương xấu thì hiệu quả giáo dục cũng trở nên mong manh

Bộ trưởng mong rằng, trong các quy định, các đòi hỏi của xã hội cần có sự công bằng và yêu cầu các phía cùng vào cuộc trong công cuộc lớn. Các nhiệm vụ này phải được xác định ở những tầm vóc, quy mô rộng lớn hơn.

“Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/uu-tien-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-voi-quyet-tam-lon-post605246.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/uu-tien-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-voi-quyet-tam-lon-post605246.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên xây dựng văn hóa học đường với quyết tâm lớn