Với cô giáo Hà Thị Khuyên, GV Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn), 13 năm gieo chữ nơi vùng cao là hành trình thấm đẫm những giọt mồ hôi, để rồi sau đấy là niềm hạnh phúc vỡ òa khi chứng kiến những đổi thay của ngôi trường, học trò yêu dấu.
Nhớ lại thuở mới về trường công tác, nữ GV không khỏi xúc động khi cả trường mới chỉ có một chiếc máy chiếu lắp ở phòng học riêng, vốn được cải tạo lại từ hai phòng kí túc xá.
“Mỗi lần muốn dạy bằng máy chiếu, chúng tôi phải đăng kí mượn phòng và xếp lịch để không bị trùng nhau. Ai may mắn được dùng phòng máy chiếu để thao giảng, thì cảm thấy đó là niềm hạnh phúc vô bờ”, nữ GV tâm sự.
Cô Hà Thị Khuyên trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). |
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà nguồn nước sinh hoạt cũng khó khăn trăm bề. Vì nước được dẫn từ khe núi về lại dùng chung với Trường THCS Dân tộc nội trú Quan Sơn, nên thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Như lửa thử vàng, gian nan thử sức, cô Khuyên và các thầy, cô nơi đây đã không bỏ cuộc, mà trái lại càng quyết tâm gắn bó với giáo dục vùng khó. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường đến nay đã được trang bị đầy đủ, kiên cố hơn.
Bản thân nữ nhà giáo cũng đóng góp cho ngành GD 4 SKKN được đánh giá, xếp loại. Cô Khuyên cho rằng, kết quả này dù còn khiêm tốn so với đồng nghiệp nhưng cũng khiến cô cảm thấy tự hào vì đó là sản phẩm được đúc rút từ thực tiễn công tác và việc nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết của bản thân.
Điểm chung trong các SKKN của nữ GV là đều xuất phát từ những khó khăn, rào cản của HS người dân tộc thiểu số, đó chính là ngôn ngữ.
“Với các em người Thái, việc sử dụng Tiếng Việt để tạo lập và lĩnh hội văn bản đôi khi quá sức. Các em chỉ thông thạo tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ thứ nhất) còn Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai.
Thành thử, khi lĩnh hội văn bản qua lời giảng của GV các em không hiểu thầy cô đang hỏi gì và khi tạo lập văn bản cũng vậy, đôi khi các em viết những câu rất ngô nghê…”, cô Khuyên chia sẻ.
Lợi thế là GV người bản địa (dân tộc Thái) đã giúp cô Khuyên ít nhiều hiểu được học trò của mình gặp khó ở đâu và gỡ khó như thế nào.
Hiện tại, ngoài công tác chuyên môn, cô Khuyên còn đảm trách vai trò dạy chữ Thái cho HS nhà trường. Công việc tuy khó nhọc, song nữ GV cho rằng đó là niềm vui, niềm tự hào khi được trao truyền chữ viết của dân tộc mình để bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp.
Sau tất cả, niềm hạnh phúc của nữ GV gieo chữ nơi vùng cao lại giản dị đến vậy. Đó là mỗi sáng đến lớp thấy học trò không bị ướt mỗi khi trời mưa; là sau mỗi tháng, kỳ không nhận tin em nào bỏ học giữa chừng. Hạnh phúc còn là những giây phút được ngồi nghe các em chia sẻ, tâm sự những chuyện vui buồn…