Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức

Hiếu Nguyễn | 05/02/2022, 11:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 2021, thách thức đã trải qua là bài học quý giá cho ngành giáo dục đối diện với những khó khăn và trở ngại đang dần lộ diện.

Đón đầu lối sống mới

Nhìn lại hoạt động của ngành Giáo dục trong năm 2021, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, nhận định: Đại dịch Covid-19 trở thành một “phép thử” đối với ngành Giáo dục. Toàn ngành đã nỗ lực, kiên trì bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tập trung mọi nguồn lực xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đặc biệt là nội lực của toàn ngành để xây dựng kế hoạch dạy học, phát triển giáo dục gắn với nâng cao chất lượng toàn diện, ưu tiên phát triển phẩm chất, năng lực của người học và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Đứng trước những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nhiều nơi học sinh không thể đến trường, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong truyền tải kiến thức với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học” trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) chưa đồng bộ ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, ứng dụng CNTT trong dạy học/giáo dục được triển khai mạnh mẽ, trong đó có việc dạy học trực tuyến. Sau khó khăn ban đầu, đến nay hầu hết giáo viên, học sinh đã quen với kỹ thuật dạy và học trên môi trường số. Công tác bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cũng được thực hiện trực tuyến trên hệ thống LMS. Ngành Giáo dục đã tổ chức rà soát, nâng cấp bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” kịp thời hỗ trợ học sinh vùng khó trong học trực tuyến…

Ngành Giáo dục đã biến thách thức thành thời cơ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng các hệ thống trực tuyến để quản lý trường học, thông tin toàn ngành và được cập nhật thường xuyên, đồng bộ, liên thông từ cơ sở giáo dục đến các cấp quản lý. Thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 4 hoàn toàn trực tuyến, nhiều dịch vụ số hóa thuận lợi cho học sinh, người dân khi tiếp cận với dịch vụ công của ngành Giáo dục.

Bước sang năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục Việt Nam cần phải có cơ chế đón đầu xu thế kinh tế mới của thế giới, với cách tiếp cận mới, kiến thức và kỹ năng mới. Trên quan điểm của ngành Giáo dục, ông Phạm Đăng Khoa cho hay: Trước hết cần phân tích bối cảnh kinh tế, xã hội của nước ta, cũng như các yêu cầu đặt ra đối với GDPT, giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, xây dựng lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn để định hướng, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa vào giảng dạy, hướng nghiệp cho học sinh.

Đối với lối sống mới, như sống số, sống xanh, sống sạch, sống thân thiện môi trường, ngành Giáo dục cần tổ chức tuyên truyền về công tác chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của toàn ngành để tiếp cận và từ đó vận dụng cho đơn vị, cá nhân. Xây dựng, đổi mới chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hướng đến các mục tiêu sống xanh, sống sạch, sống thân thiện môi trường với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực với cuộc sống.

Học sinh Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Thay đổi tư duy quản lý, phương pháp dạy học

Năm 2021 là năm nhiều thử thách đối với ngành Giáo dục. Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều nhiệm vụ quan trọng; vừa triển khai Luật Giáo dục 2019, vừa triển khai các hoạt động để thực hiện Chương trình GDPT đối với lớp 1, 2, 6 trong bối cảnh mọi hoạt động của ngành phải chuyển sang phương thức trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Do đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT mới gặp không ít khó khăn. Đầu tư cơ sở  vật chất, trang thiết bị dạy học ở hầu hết các địa phương khó thực hiện theo kế hoạch do kinh phí phải ưu tiên cho phòng chống dịch. Hạ tầng CNTT chưa đáp ứng tốt yêu cầu dạy học trực tuyến. Học sinh nhiều vùng miền vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ với học trực tuyến.

Tuy nhiên, bằng cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, sự chia sẻ của cha mẹ học sinh, ngành Giáo dục đã thích ứng linh hoạt; thực hiện kịp thời hầu hết nhiệm vụ của năm học; đặc biệt là thích ứng nhanh với phương thức dạy học trực tuyến, tạo bước chuyển mạnh mẽ về ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiều thầy cô không ngại hiểm nguy đi vào tâm dịch hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Những nghĩa cử cao đẹp đó được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đội ngũ thầy cô giáo, cùng toàn thể học viên, sinh viên đã đồng hành và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, cả nước.

Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục, nhất là các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị học tập. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi số mạnh mẽ vừa qua cũng mở ra cơ hội cho ngành thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị nhà trường, phương pháp dạy học; mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận kiến thức với cách thức làm việc khoa học, hiện đại.

GD-ĐT là quốc sách và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh cần tiếp tục tích cực đổi mới toàn diện để thực hiện tốt nhất Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), Luật Giáo dục 2019. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Phát huy tinh thần tự chủ, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Chính phủ cần tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực mạnh mẽ hơn để ngành Giáo dục đóng góp nhiều hơn, thực chất hơn cho sự phát triển chung của đất nước. “Tôi mong và tin tưởng rằng, ngành Giáo dục sẽ có giải pháp để biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực để đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho hay.

“Có thể nhận định, năm 2022 sẽ là giai đoạn bản lề để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Cùng với những thể chế và hành lang pháp lý đã được xác lập, với tốc độ và quy mô phát triển công nghệ giáo dục hiện nay, cho dù có thể còn phải đối mặt với những trở ngại do Covid-19, các xu hướng nêu trên sẽ tạo ra tiền đề thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia số của Việt Nam” – TS Tôn Quang Cường nhận định.
Bài liên quan
Côn trùng được coi như viagra cho quý ông
Để lấy lại bản lĩnh phòng the, thể hiện sức mạnh “chinh chiến” cũng như tăng khả năng sinh sản, nhiều người tìm đến thực phẩm từ côn trùng. Nhiều loài côn trùng có những thành phần hoạt chất được coi như viagra cho quý ông sự sung mãn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục năm 2022: Nắm bắt xu hướng - hóa giải thách thức