Giáo dục phổ thông đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên

22/05/2023, 13:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục phổ thông tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.

Sáng 22/5, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo nêu rõ, nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục phổ thông còn thấp so với nhu cầu thực tế. Ở một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học còn thiếu, chưa đầy đủ, đồng bộ.

Sách giáo khoa có thời điểm tăng giá cao, gây khó khăn cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Giáo dục phổ thông đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên ảnh 1

Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên khai mạc.

Việc quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh. Tiến độ quy hoạch tại các địa phương còn chậm hoặc một số địa phương đã có quy hoạch nhưng chậm đầu tư cho cơ sở giáo dục.

Tình trạng thiếu trường học, phòng học, phòng bộ môn còn diễn ra, đặc biệt là ở các địa phương có khu đô thị, khu công nghiệp, những nơi gia tăng dân số cơ học, di dân tự do.

Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2022-2023, để đáp ứng cho môn Tin học, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc, cả nước còn thiếu hơn 3.000 phòng học Tin học và trên 5.500 phòng học ngoại ngữ. Cấp THCS thiếu hơn 16.200 phòng học bộ môn; Cấp THPT thiếu trên 5.200 phòng học bộ môn.

Giáo dục phổ thông đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên ảnh 2

Toàn cảnh phiên họp làm việc sáng 22/5.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo Báo cáo trên, ngành Giáo dục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022-2023; đồng thời tiếp tục triển khai mô hình giáo dục đại học số.

Ngành Giáo dục và các địa phương đã và đang chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Cùng với đó, tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được lan tỏa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, thời gian tới, cần thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế… gắn với hỗ trợ phù hợp đối tượng chính sách, người nghèo.

Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai mô hình giáo dục đại học số.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 nghiêm túc, an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục phổ thông đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên