Ngày 20/10/2023, Covid-19 chính thức được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam, khép lại 3 năm đại dịch. Vượt qua gian nan, thử thách, ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, trong đó các vấn đề nổi bật: Công tác y tế học đường chuyển biến tích cực, chuyên nghiệp hơn; toàn ngành phát huy thế mạnh công nghệ số vào dạy học, quản lý; tốc độ số hóa giáo dục được đẩy nhanh…
Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục huyện Mường Tè (Lai Châu) chỉ đạo các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy.
Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, hơn 14 nghìn học sinh Mường Tè tạm thời không thể đến trường. Đối với địa bàn vùng thuận lợi, hoạt động dạy học được thực hiện với hình thức trực tuyến. Đây là yêu cầu tối ưu, ứng phó với dịch bệnh tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, với vùng khó, việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ, ứng dụng dạy học trực tuyến hạn chế, thiết bị phục vụ cho giáo viên, học sinh còn thiếu, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
“Có thể nói, từ khó khăn, thách thức trong đại dịch giúp chúng tôi nhận ra vai trò, tầm quan trọng việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và dạy học. Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát thì chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Mường Tè có chuyển biến mang tính bước ngoặt”, ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè chia sẻ.
“Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, dạy học góp phần hạn chế tối đa sử dụng hồ sơ giấy. Số hóa hồ sơ giáo dục, tài liệu, giáo án. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng nâng cao”, ông Tống Thanh Sơn cho biết.
Đến nay, chuyển đổi số được coi là một trong hai nhiệm vụ đột phá của ngành GD-ĐT huyện Mường Tè. Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số quy củ, toàn diện như: 100% trường học từ mầm non đến THCS thực hiện nghiệp vụ quản lý giáo viên, học sinh, kết quả học tập, cơ sở vật chất, báo cáo thống kê trên phần mềm. Trên 60% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học và THCS thực hiện quản lý tập trung, lưu trữ hồ sơ, sổ sách điện tử…
Tại TP Lào Cai (Lào Cai), nhờ triển khai phần mềm dạy và học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh, nhiều giáo viên đã chuyển biến tích cực trong ứng dụng CNTT. Các hệ thống quản lý giáo dục trực tuyến được kích hoạt và dần hoàn thiện. Cùng đó, nhiều vùng lõm được nhà mạng đẩy mạnh phủ sóng. Các chương trình, đặc biệt Chương trình Sóng và máy tính cho em triển khai đã bổ sung trang bị, máy tính cho trường học, học sinh.
“Giáo viên dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang tích cực. Qua đó, giúp người dạy và học phát huy tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai đánh giá.
Điều đáng nói, sau đại dịch, ứng dụng CNTT phục vụ cho quản lý giáo dục tiếp tục được phát huy hiệu quả. Chia sẻ của thầy Đoàn Tuấn Long - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nhà trường tiếp cận nhiều phương pháp học tập để đảm bảo thời lượng giáo dục. Điều đó cũng thúc đẩy giáo viên cởi mở đón nhận các giải pháp, mạnh dạn ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học.
Năm học trước, trường thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ giáo viên trên hệ thống. Năm học này thực hiện chữ ký số đến từng giáo viên để thực hiện ký hồ sơ giáo dục. “Dù là trường khó khăn do đặc thù vùng miền nhưng chúng tôi nỗ lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào quản lý và dạy học. Qua đó, góp phần đổi mới mục tiêu tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao”, thầy Long cho hay.
Học sinh vùng cao Mường Tè tiếp cận với CNTT. Ảnh: Hà Thuận |
Hiểu rõ vai trò của phòng bệnh, cùng với đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, công tác y tế trường học có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên. Thời gian qua tại TPHCM, các cấp học đặc biệt chú trọng quan tâm, đầu tư nguồn lực, nhân lực cho y tế học đường. Từ đầu năm học, trường chủ động điều kiện phòng chống dịch bệnh bùng phát theo mùa như: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, đau mắt đỏ…
Tại Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM), trước khi bước vào năm học mới, nhà trường phân bổ kinh phí cho bộ phận y tế mua vật tư sát khuẩn, thuốc cảm cúm, nhỏ mắt, nước muối sinh lý… Công tác tổng vệ sinh cảnh quan môi trường tại cơ sở cùng việc phun thuốc sát khuẩn lớp học được nhà trường tiến hành ngày cuối mỗi tuần. Đồng thời, trường lắp đặt chậu rửa tay ở vị trí thuận lợi, bố trí dung dịch sát khuẩn trước cửa lớp để học sinh sát khuẩn trước khi vào học...
Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bên cạnh chuẩn bị tốt trang thiết bị, trường phân công giáo viên, văn phòng, bộ phận y tế tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh, dịch đến toàn thể học sinh qua các tiết sinh hoạt lớp, dưới cờ. Đặc biệt, thông qua nhóm Zalo lớp, giáo viên chủ nhiệm thông tin đến phụ huynh biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM”.
Giáo viên TP Lào Cai ứng dụng CNTT trong dạy học. Ảnh: Hà Thuận |
Để chăm sóc sức khỏe học sinh, phòng y tế Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang (TP Thủ Đức, TPHCM) trang bị đầy đủ dụng cụ kiểm tra sức khỏe lâm sàng, danh mục thuốc thiết yếu gồm 3 nhóm chính là hạ sốt, giảm đau; tiêu hóa; sát khuẩn, băng bó vết thương.
Theo cô Lê Thị Hường, nhân viên y tế nhà trường, mỗi tháng, khoảng 100 lượt học sinh được chăm sóc ban đầu khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. “Bên cạnh đó, hằng năm, trường phối hợp với Trung tâm Y tế TP Thủ Đức tổ chức khám sức khỏe đầu năm cho học sinh, nhằm phát hiện kịp thời vấn đề liên quan để thông báo cho phụ huynh, từ đó có biện pháp chăm sóc hiệu quả”, cô Hường cho hay.
Bước vào năm học 2023 - 2024, bệnh đau mắt đỏ, chân tay miệng xuất hiện tại TPHCM và nhiều địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, đối với cấp mầm non, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được nhà trường đặc biệt chú trọng.
Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM) đã phối hợp với lực lượng y tế thông tin tuyên truyền trực quan, sinh động giúp các em biết về bệnh đau mắt đỏ, các bước vệ sinh cơ bản bảo vệ sức khỏe.
Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Tú Trâm cho biết: “100% giáo viên được tuyên truyền về vệ sinh cá nhân. Nhân viên y tế cấp phát thuốc nhỏ mắt để giáo viên tự rửa mắt hằng ngày và nhiều lần để không nhiễm bệnh, tới trường chăm lo cho trẻ. Về phía phụ huynh, thông qua nhóm lớp, trường thông báo yêu cầu phối hợp thực hiện biện pháp phòng chống lây lan đau mắt đỏ”.
Đà Nẵng là địa phương có thời gian dạy học trực tuyến dài nhất bởi trong 3 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, địa phương này luôn là tâm dịch. Ngoài tập huấn sử dụng phần mềm dạy online, ứng dụng lồng ghép kiến thức thông qua trò chơi, các trường học còn tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, phân chia thời khóa biểu phù hợp, thiết kế sổ đầu bài trực tuyến.
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đặc biệt chú ý đến tâm lý giáo viên trong thời gian dạy học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị An – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng ta tìm mọi cách hỗ trợ phương tiện học trực tuyến cho học sinh khó khăn nhưng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong dạy học.
Họ có con phải học trực tuyến trong khi dạy học trực tuyến của giáo viên cần nhiều hơn một máy tính xách tay như sự hỗ trợ của điện thoại, bảng điện tử... Nhiều giáo viên còn gặp bất trắc trong đời sống riêng do ảnh hưởng từ dịch bệnh khi vợ hoặc chồng bị mất việc làm, người thân mắc bệnh...”.
Nhân viên Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng vệ sinh đồ chơi cho trẻ. Ảnh: Hồ Phúc |
Từ các nguồn kinh phí hoạt động, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã hỗ trợ 6 giáo viên với mức 4 triệu/người để giải quyết khó khăn ở thời điểm Đà Nẵng thực hiện phong tỏa cứng trong năm 2021. Trường cũng thành lập tổ hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, sửa máy tính cho giáo viên khi dạy trực tuyến...
Ngoài giúp đỡ lương thực, thực phẩm và tiền mặt cho học sinh, giáo viên hoàn cảnh khó khăn giai đoạn thực hiện phong tỏa cứng, Đà Nẵng còn chủ động hỗ trợ điện thoại thông minh, máy tính để học sinh có thể học trực tuyến trong thời gian dài.
Khảo sát khi bắt đầu triển khai học trực tuyến, hầu như trường nào ở Đà Nẵng cũng có vài chục học sinh không có thiết bị kết nối, không thể học ké, học nhờ bạn học bởi thành phố thực hiện giãn cách đặc biệt “ai ở đâu, ở yên đấy”. Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã phát động đơn vị, trường học tuyên truyền, kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có máy tính, điện thoại thông minh, wifi tham gia học trực tuyến.
Kể về thời điểm trên, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin, với những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ Chương trình Sóng và máy tính cho em, đều được sở giới thiệu trực tiếp đến trường, tiếp nhận bằng hiện vật, có địa chỉ học sinh hưởng thụ.
Cụ thể, Bí thư Quận ủy Thanh Khê (Đà Nẵng) đã vận động được 26 máy tính hỗ trợ đợt đầu cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chủ động kêu gọi cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ 14 bộ máy tính mới, 2 laptop cũ và 1 máy tính bảng qua sử dụng. Ngoài ra, nhà trường “xin” thêm 5 đầu thu, 12 sim điện thoại và gói cước 4G cho 52 học sinh. Vì vậy, 100% học sinh của trường đủ điều kiện học trực tuyến.
Nhiều trường học linh động cho học sinh mượn máy tính của phòng tin học để đủ thiết bị học tập. Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) hướng dẫn các trường THCS cho học sinh mượn máy tính phục vụ học tập trực tuyến. Đi kèm đó, mỗi em được hỗ trợ bộ tai nghe và camera từ nguồn vận động của phòng GD&ĐT. Cũng từ nguồn huy động, phòng GD&ĐT có thêm gần 40 điện thoại thông minh để điều phối cho các trường có nguồn lực huy động thấp nhằm tăng độ phủ thiết bị trực tuyến.
Một số trường học ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã chia lớp học trực tuyến thành 2 ca để học sinh có thể tham gia 100%. Do trò chủ yếu sử dụng điện thoại di động để học. Phụ huynh đi làm hầu hết mang theo điện thoại để liên lạc và quét mã QR. Ca học buổi tối dành cho những em có bố mẹ đi làm ban ngày.
Nhờ sự chủ động, linh hoạt từ trường học, trong điều kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nhưng học sinh Đà Nẵng chỉ tạm dừng đến trường nhưng không dừng học. Như năm học 2021 – 2022, các trường học ở Đà Nẵng học trực tuyến trong suốt học kỳ I đối với bậc tiểu học và THCS.
Ngày 28/10/2021, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) ghi nhận 209 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là giáo viên, học sinh. Trong đó, huyện miền núi cao này chỉ có một xe cấp cứu. Thầy giáo Lê Huy Phương đã viết đơn cam kết sẽ cách ly rồi tình nguyện chở học sinh F0 xuống điều trị tập trung tại các bệnh viện ở TP Tam Kỳ. “Hôm đầu tiên đưa học sinh F0 rời Nam Trà My, chúng tôi đứng ngồi không yên. Có em lần đầu đi xa, tâm lý bất ổn vì lo lắng khi biết mình nhiễm Covid-19. Thế nên dù mệt vì đường sá sạt lở, di chuyển ban đêm, mưa lớn kéo dài liên tục rồi nguy hiểm do tiếp xúc gần với F0 nhưng được đưa học sinh nhập viện điều trị, tôi bớt đi lo lắng, bồn chồn”, thầy Phương chia sẻ.