Giáo dục STEM tại vườn trường

05/04/2025 11:05

Nhiều trường học ở Đắk Lắk sáng tạo trong tiếp cận giáo dục STEM bằng cách tận dụng khoảng không gian xanh khuôn viên trường...

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, nhiều trường học ở Đắk Lắk đã sáng tạo trong tiếp cận giáo dục STEM bằng cách tận dụng khoảng không gian xanh khuôn viên trường để thầy, trò cùng trải nghiệm, giải quyết tình huống thực tiễn.

Trải nghiệm thú vị từ thất bại

Tháng 3, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng ở đỉnh điểm mùa khô, thế nhưng những vườn rau trong khuôn viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc); Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (huyện Krông Năng) vẫn xanh mướt. Đây là thành quả từ những bài học STEM của thầy và trò.

Theo thầy Y Rơu Byă - giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, giáo dục STEM là một trong những nội dung quan trọng để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

Để nuôi dưỡng đam mê học tập, sáng tạo cho học sinh, bên cạnh chuẩn bị tốt nội dung lý thuyết, thầy Y Rơu và đồng nghiệp lấy hoạt động trải nghiệm, thực hành làm mạch nguồn chính khi dạy học. Trong đó, tính phù hợp là yêu cầu quan trọng của hoạt động này.

Theo lý giải của thầy Y Rơu, điều kiện học tập, năng lực tiếp thu của học sinh không đồng đều, nhất là các em ở miền núi. Vì vậy, thầy cô căn cứ thực tế năng lực học tập của trò để đưa ra hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm phù hợp nhất.

“Khi dạy chủ đề STEM “trồng cây trong vỏ trứng” với thời lượng 2 tiết cho học sinh lớp 5, giáo viên đã tích hợp nội dung từ bài “Sự lớn lên và phát triển của thực vật” ở môn Công nghệ 5. Ở phần lý thuyết, giáo viên giúp học sinh nắm chắc kiến thức mỹ thuật để vẽ sơ đồ với ghi chú tên các bộ phận của hạt và tóm tắt được các bước gieo hạt. Ở phần thực hành, các em biết phối hợp vật liệu, các bước để trồng cây bằng hạt (gieo hạt trong vỏ trứng, chậu). Từ đó, trình bày được quá trình lớn lên của cây con”, thầy Y Rơu nói.

Để thực hành bài học STEM trên, thầy Y Rơu chuẩn bị 1 túi hạt cải mầm, học sinh được phân nhóm để chuẩn bị: Sách giáo khoa, vở bài tập, khay trứng, vỏ trứng, đất trồng, bát giấy. Không gian thực hành tại vườn trường.

Tương tự, tại Trường Tiểu học và THCS Quang Trung, thầy Lê Hồng Minh cùng đồng nghiệp, học sinh đã biến bài học STEM thành sản phẩm là vườn rau xanh mướt.

Theo thầy Minh, trong bài học STEM “trồng cây rau xanh” ở cấp tiểu học, học sinh có điều kiện áp dụng nội dung khoa học và toán học đã và đang học vào giải quyết tình huống thực tiễn. Do đó, giáo viên chỉ cung cấp bộ câu hỏi gợi ý định hướng, không cung cấp chi tiết các bước tiến hành. Qua đó, học sinh chủ động suy nghĩ, làm việc nhóm, thảo luận, đưa ra ý kiến thống nhất chọn cách thực hiện.

“Đến nay hầu hết học sinh từ lớp 3 trở lên đã nắm rõ quy trình trồng, chăm sóc rau xanh. Tuy nhiên, nhiều lần gieo hạt không nảy mầm, trồng cây không sống… là những trải nghiệm thú vị từ chính thất bại. Điều này giúp các em khắc sâu kiến thức, nỗ lực hơn trong học tập, áp dụng kiến thức vào thực tiễn”, thầy Minh chia sẻ.

giao-duc-stem-tai-vuon-truong-2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng thực hành trồng, chăm sóc cây rau trong vườn trường. Ảnh: TT

Giáo dục STEM không xa

Theo cô Lê Thị Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc), hiện nay, hoạt động giáo dục STEM được thầy cô lồng ghép qua các mô hình trồng trọt, nghiên cứu môi trường và chế tạo sản phẩm đơn giản ngay chính không gian xanh trong khuôn viên trường.

Điều này không chỉ giảm chi phí dạy, học, mà còn biến lý thuyết hàn lâm thành bài học sinh động, sát thực tế. Từ đó, đưa mô hình giáo dục tiên tiến này đến gần hơn với giáo viên và học sinh.

Theo lý giải của cô Việt, nếu chỉ dựa vào xã hội hóa để phối hợp các đơn vị dịch vụ, đưa học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế thì thầy cô luôn bị động, không phát huy hết năng lực sáng tạo. Hơn nữa, việc trải nghiệm thường rơi vào lối mòn kiểu năm nào cũng “lội bùn, bắt cá”.

“Thực tế, một số đơn vị liên hệ, mời tổ chức đưa học sinh đến các nhà vườn, ao cá, nơi sản xuất nấm… để trải nghiệm. Nếu làm vậy, chủ yếu giải quyết mục tiêu cho học sinh tham quan, tham gia hoạt động nhóm và vui chơi. Còn giáo dục STEM lâu dài, phải bắt nguồn từ chính nỗ lực của nhà trường, thầy cô, học sinh để làm sao sau mỗi bài học, các em tập giải quyết các tình huống đơn giản, tạo sản phẩm dễ nhất. Từ đó, nuôi dưỡng đam mê, sáng tạo của học trò”, cô Việt nói.

Từ thực tế dạy học ở miền núi hơn 20 năm, cô Việt chỉ ra vì sao giáo dục STEM luôn ở gần thầy cô, học sinh. “Với vật dụng có sẵn như chai nhựa, đất trồng, chúng tôi tổ chức nhiều thí nghiệm khoa học đơn giản. Học sinh hào hứng tham gia, không còn cảm giác STEM là thứ xa vời hay khó tiếp cận”, cô Việt nói.

Chung quan điểm, cô Đinh Thị Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Quang Trung (huyện Krông Năng) khẳng định, giáo dục STEM không nhất thiết phải gắn liền với phòng thí nghiệm hiện đại hay thiết bị đắt tiền. Mục đích quan trọng nhất, giúp học sinh học tốt hơn các môn khoa học. Nuôi dưỡng, phát triển kỹ năng sáng tạo, khuyến khích tinh thần khám phá và yêu thích nghiên cứu.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắc và huyện Krông Năng (Đắk Lắk), sở GD&ĐT đã triển khai mô hình giáo dục STEM này đến 100% trường tiểu học trên địa bàn. Tuy nhiên, việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo còn hạn chế. Nhiều trường chủ yếu “giao khoán” bằng hợp đồng với các công ty, trung tâm…

Vì vậy, việc tận dụng tối đa không gian xanh để thầy trò chủ động cần được ưu tiên. Đây cũng là minh chứng rõ ràng để khẳng định, giáo dục STEM không quá xa, vừa hiệu quả, vừa giúp học sinh vùng khó tiếp cận tri thức một cách tự nhiên và bền vững.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-stem-tai-vuon-truong-post725810.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-stem-tai-vuon-truong-post725810.html
Bài liên quan
Giáo dục STEM: Nhận thức đúng, hành động trúng
Để STEM thực sự phát huy tiềm năng, cần có giải pháp thiết thực nhằm khắc phục rào cản về cơ sở vật chất, nhận thức và phương pháp giảng dạy...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục STEM tại vườn trường