Giáo dục thể chất: Dạy học trong dịch bệnh, không để lãng quên

Thảo Đan | 26/03/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong bối cảnh phải chạy đua với thời gian để triển khai các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục thể chất rất dễ bị “lãng quên” nếu không có sự quan tâm, nhận thức đầy đủ từ lãnh đạo nhà trường.

Giáo viên Trường Phổ thông Dewey dạy Giáo dục thể chất trực tuyến. Ảnh: TGGiáo viên Trường Phổ thông Dewey dạy Giáo dục thể chất trực tuyến. Ảnh: TG

Sáng tạo, linh hoạt

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc tạo thói quen rèn luyện thể chất được Trường Phổ thông Dewey (Hà Nội) quan tâm nhiều hơn. Khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, chương trình giáo dục thể chất của nhà trường vẫn duy trì đều đặn hàng tuần, nhưng có sự thay đổi để phù hợp. Theo đó, các tiết học vận động ngoài trời như: Bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi… sẽ được thay thế bằng bài tập phát triển thể lực, các bài nhảy Zumba, Hiphop, Yoga… Sự thay đổi này giúp học sinh hào hứng hơn với môn học, mặc dù diễn ra với hình thức trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Thuý Quỳnh - giáo viên Trường Phổ thông Dewey chia sẻ: Sau những giờ học qua Zoom, giáo viên sẽ gửi clip hướng dẫn lại bài học hôm đó để học sinh chủ động tập luyện thêm tại nhà. Ngoài ra, thầy cô khuyến khích học sinh tích cực chủ động với các hoạt động thể thao, đưa ra thử thách tập luyện, trò chơi như: Tự sáng tạo bài tập của riêng mình sau đó quay lại video và chia sẻ với các bạn trong lớp, cùng bố mẹ tập luyện…

“Trong thời gian học trực tuyến, nhà trường đã xây dựng một kênh YouTube với đa dạng các bài tập gần gũi, tạo động lực cho học sinh tích cực tập luyện hơn” - cô Quỳnh cho biết thêm.

Từ đầu năm học, khi bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) đã tập trung chỉ đạo sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, thực hiện dạy học trực tuyến đồng đều các môn văn hóa và môn năng khiếu (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục).

Riêng Giáo dục thể chất là môn học có tính vận động, dạy học trực tuyến gặp khó khăn nhất định cho cả thầy và trò. Làm thế nào để học sinh thích học, học hiệu quả và duy trì được thói quen rèn luyện sức khoẻ? Trả lời câu hỏi này, cô Hoàng Thị Bích Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai đến tổ nhóm chuyên môn, nghiên cứu điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy để khuyến khích sự tham gia của học sinh. Kết hợp dạy học trực tuyến cùng với gửi video nội dung bài học, trò chơi vận động... để học sinh có thể xem trước, xem lại và luyện tập hàng ngày.

Thầy cô xây dựng bài giảng hoặc video về nội dung bài học học cần thực hành được gửi đến học sinh qua Zalo nhóm lớp, qua phần mềm eNetViet và cha mẹ học sinh... Các nội dung ngắn gọn, rõ ràng của bài học trong tuần được gửi đến phụ huynh, học sinh như những yêu cầu cần thực hiện, thực hành; nội dung cần hoàn thành và nội dung cha mẹ cần hỗ trợ, nhất là đối với học sinh lớp 1, 2.

“Nhà trường chỉ đạo linh hoạt tổ chức các giờ học thể chất trực tuyến cả về nội dung, phương pháp giảng dạy, tăng tính hấp dẫn của bài giảng Giáo dục thể chất. Và thực tế, thầy cô đã giảng dạy rất tâm huyết, bài bản, sáng tạo. Sau khi xây dựng nội dung bài dạy, lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế là dựng bối cảnh, tự ghi hình, chỉnh sửa hoàn thiện và xuất bản đồng bộ.

Các video bài giảng, bài tập thực hành... không chỉ chú trọng vào phần hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác, thầy cô còn lưu tâm đến các hiệu ứng, âm thanh, hình ảnh nhằm thu hút sự chú ý của các em. Cùng với đó, đa dạng hoạt động trong giờ học thể chất trực tuyến, vừa học, vừa chơi, luôn thay đổi các hình thức để học sinh thấy hào hứng, thích thú. Bài học có khi được giới thiệu đến học sinh như một bộ phim hoạt hình có các nhân vật đáng yêu gần gũi. Học sinh khởi động hay thực hiện các bài tập vận động, thực hành trực tuyến sôi động hòa cùng âm thanh vui nhộn...” – cô Hoàng Thị Bích Thu chia sẻ.

Dạy học Giáo dục thể chất trực tuyến tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Hà Nội).

Không thể thiếu sự phối hợp của gia đình

Chia sẻ giải pháp dạy học hiệu quả môn Giáo dục thể chất, đặc biệt với hình thức trực tuyến, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Bình) cho rằng: Nhà trường cần xây dựng thời khóa biểu trực tuyến khoa học với môn Giáo dục thể chất, tránh sớm quá, muộn quá… Tuyên truyền tới phụ huynh học sinh ý nghĩa, tác dụng của môn học trong tăng cường sức khỏe, phòng chống Covid-19.

Giáo viên Giáo dục thể chất tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế giáo án online sinh động, kết hợp các video mẫu động tác. Tiết học tích hợp nhiều nội dung, vừa rèn luyện thể chất, kết hợp trò chơi vận động hay giải trí, đố vui. Giáo viên đồng thời phải linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá bằng những nhận xét, khen ngợi kịp thời, động viên học sinh qua các video sản phẩm học tập, tạo động lực cho các em yêu thích môn học và cố gắng hơn.

Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng thiết bị học trực tuyến an toàn. Gia đình có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến, sử dụng Internet. Cùng với đó, dành thời gian quan sát, uốn nắn, chỉnh sửa động tác, hỗ trợ con tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, tạo không gian an toàn cho con vận động, tránh mạo hiểm…

Để góp phần tạo nên hiệu quả của giờ học Giáo dục thể chất trực tuyến, giúp học sinh hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày, cô Hoàng Thị Bích Thu cho rằng, vai trò của gia đình, cha mẹ học sinh cũng không nhỏ. Đó là hỗ trợ theo yêu cầu của thầy cô ở một số bài học; cùng thầy cô khuyến khích, động viên con luyện tập để hoàn thành tốt bài học; quay lại phần thực hành của con gửi đến thầy cô và cùng với con tiếp nhận những nhận xét, đánh giá, tư vấn, hỗ trợ từ thầy cô để giúp con học tốt hơn...

Nội dung kiểm tra, đánh giá của giáo viên cũng rất linh hoạt. Thầy cô yêu cầu cha mẹ học sinh gửi video con luyện tập theo danh sách, theo tổ, nhóm... để kiểm soát nội dung thực hành của các em. Qua đó, giúp thầy cô duy trì thực hiện việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh... Sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động từ thầy cô, cha mẹ học sinh tạo sự gắn kết, có tác động tích cực đến các em. Những sản phẩm video ghi lại phần thực hành, hay khoảnh khắc luyện tập của học sinh hàng ngày được cha mẹ các em ghi lại và gửi đến thầy cô, gửi đến nhà trường là niềm vui trong gia đình gắn bó yêu thương, nguồn động viên rất lớn đến nhà trường, thầy cô.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh tăng cường thể lực, sức khỏe tốt mà còn có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục thể chất: Dạy học trong dịch bệnh, không để lãng quên