Học sinh khối lớp Một, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ được cô giáo hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản sách giáo khoa để có thể tái sử dụng cho những năm sau. |
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy, cô giáo đã vận động học sinh chọn những quyển sách giáo khoa đã qua sử dụng nhưng còn nguyên vẹn, không bị bong gáy, rách rời để tặng lại các em lớp dưới và đổi lấy sách cho năm học tới.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng, cho biết: “Do địa bàn trường đóng chân không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên chỉ một số rất nhỏ học sinh được hỗ trợ chi phí mua sắm đồ dùng học tập. Mỗi khối lớp có khoảng 10 - 20 em được phụ huynh mua sắm sách giáo khoa mới hàng năm. Còn lại, các em được nhà trường cho mượn sách giáo khoa để sử dụng suốt năm học, cuối năm trả lại cho thư viện trường”.
Đầu năm học, mỗi học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai đều có cam kết phải đền trong trường hợp sách bị mất, hư hỏng… Học sinh được hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng sách giáo khoa. Tuy nhiên, theo thầy Điệp nhận xét, tỉ lệ thất thoát do sách bị mất, rách, ướt, bong gáy… khi các em trả sách vào cuối năm vẫn còn cao, từ 20 - 30%.
“Với Chương trình GDPT mới, ngân sách của huyện sẽ cấp mua sách một lần cho thư viện để học sinh mượn sử dụng. Do đó hàng năm, nhà trường đều phải trích kinh phí mua sách giáo khoa bổ sung. Nhà trường tiết kiệm chi phí hồ sơ sổ sách để sử dụng thêm cho khoản này. Chúng tôi chủ trương trong kho sách của thư viện, tối thiểu phải có khoảng chục bộ sách giáo khoa dự phòng của mỗi khối lớp để đảm bảo học sinh không thiếu sách học” - thầy Điệp thông tin.
Các trường tiểu học, THCS huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đều được hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học để mua sắm sách giáo khoa cho các khối lớp 4 - 8 và mua sách giáo khoa bổ sung cho các lớp 1 - 2 - 3 và 6 - 7 để học sinh mượn. Nhờ vậy, việc mua sắm sách giáo khoa được tập trung và đồng bộ.
Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi) - chia sẻ: “Hôm nay là sự chia sẻ những cuốn sách giáo khoa cũ, nhưng dần dần sẽ hình thành trong các em lòng yêu thương, sẻ chia, biết sống vì người khác. Đây là giá trị giúp học sinh phát triển toàn diện dù chỉ qua hoạt động nhỏ”.